Trong quý II, nguồn cung xăng dầu cả trong nước và nhập khẩu dự kiến khoảng 6,7 triệu m3, trong khi nhu cầu tiêu dùng chỉ khoảng 5,2 triệu m3.
Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 4 tháng đầu năm 2022. Về tình hình nguồn cung xăng dầu trong nước, cơ quan này đánh giá trong quý I có nhiều biến động.
"Nguồn cung xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm 35-40% tổng cung) đã giảm mạnh công suất sản xuất và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết. Trong khi đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp nhiều khó khăn", cơ quan này đánh giá.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối tăng cường lượng nhập khẩu, đồng thời giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II cho 10 thương nhân đầu mối nhằm bổ sung nguồn thiếu hụt.
Đủ điều kiện hoạt động ổn định đến cuối quý II
Bộ Công Thương cho biết theo báo cáo của Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), hiện đơn vị này đã làm việc với Chi nhánh phân phối sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (PVNDP) về khối lượng hàng cam kết bán trong quý II theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm xăng dầu (FPOA).
Theo đó, sản lượng NSRP cam kết cung cấp cả quý II là 1,83 triệu m3, trong đó tháng 4 là 590.000 m3; tháng 5 là 630.000 m3; tháng 6 là 610.000 m3 (sản lượng này là sản lượng bao tiêu chính thức mang tính ràng buộc pháp lý với PVNDP).
"Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch sản lượng trên phụ thuộc vào việc triển khai các giải pháp tài chính của NSRP. Hiện, Tập đoàn dầu khí quốc gia (PVN) đã ban hành Nghị quyết phê duyệt cơ chế thanh toán sớm FPOA đến hết tháng 5, do đó NSRP đã có đủ điều kiện để hoạt động ổn định đến cuối quý II", Bộ Công Thương đánh giá.
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã có đủ điều kiện để hoạt động ổn định đến cuối quý II. Ảnh: Minh Hoàng.
PVNDP cũng đã có văn bản chính thức yêu cầu NSRP có nghĩa vụ sản xuất và cung cấp sản lượng của quý II như đã cam kết và không được đưa ra bất kỳ điều kiện nào kèm theo.
Hiện nay, PVNDP đã và đang tiến hành triển khai kế hoạch chi tiết giao nhận hàng theo các hợp đồng đã ký trong tháng 4 và chuẩn bị lịch giao hàng cho tháng 5. Đối với việc giao hàng cho tháng 6, PVNDP đang phối hợp chặt chẽ với NSRP và các thương nhân đầu mối để tiếp tục cập nhật kế hoạch sớm nhất.
7 kỳ tăng giá, 3 kỳ giảm giá
Từ kỳ điều hành giá xăng dầu đầu năm (11/1) đến kỳ điều hành ngày 21/4 đã có 10 kỳ điều hành giá (7 kỳ tăng giá, 3 kỳ giảm giá).
Bộ Công Thương cho biết liên Bộ đã sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá để bảo đảm giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn.
"Giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) tại kỳ điều hành ngày 21/4 so với đầu năm biến động tăng 36,53-60,14% nhưng giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành ngày 21/4 so với đầu năm 2022 chỉ tăng 3.975-7.120 đồng/lít/kg (tùy loại xăng dầu), tương đương tăng 17,16-39,04%", Bộ cho biết.
Đánh giá về tình hình xăng dầu thế giới, Bộ cho biết giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới có sự tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là tăng giá.
Trước dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm của IMF khiến áp lực về cầu giảm, tuy nhiên, nguồn cung từ Nga và Libya giảm sau khi các nước châu Âu và Mỹ áp dụng các lệnh cấm vận cùng với việc Thượng Hải chuẩn bị mở cửa trở lại sau thời gian bị phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19 đã khiến giá dầu tăng trở lại", cơ quan này thông tin.
Hiện giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng, ở mức dầu WTI là 102,560 USD/thùng, dầu Brent là 107,250 USD/thùng (ngày 19/4) và vẫn đang diễn biến phức tạp.
Bộ Công Thương dự kiến tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm là khoảng 20,6 triệu m3, nhu cầu xăng dầu quý II khoảng 5,2 triệu m3.
Nguồn cung xăng dầu đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý II và tồn kho gối đầu sang quý III khoảng 1,5 triệu m3. Ảnh: Chí Hùng.
Nguồn cung xăng dầu dự kiến quý II khoảng 6,7 triệu m3 bao gồm: Nguồn cung từ các nhà máy sản xuất trong nước (Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến 1,8 triệu m3, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn dự kiến là 1,9 triệu m3), nguồn nhập khẩu khoảng 1,5 triệu m3 và nguồn tồn kho từ quý I chuyển sang là 1,5 triệu m3.
"Với nguồn cung như trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý II và tồn kho gối đầu sang quý III khoảng 1,5 triệu m3", Bộ Công Thương khẳng định.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định hơn, Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo PVN khẩn trương làm việc, đàm phán với các bên có liên quan để sớm tự giải quyết dứt điểm các vấn đề nội tại trong liên doanh tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Nguồn: Thanh Thương/zingnews.vn