Tại buổi họp báo chiều nay, trả lời về thông tin mức chiết khấu “0 đồng”, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Petrolimex Sài Gòn nói: “Với khách hàng lớn sẽ có mức chiết khấu khác, khách hàng có sản lượng nhỏ sẽ có mức chiết khấu khác. “Trên phạm vi toàn quốc, Petrolimex luôn luôn có chiết khấu, không có trường hợp chiết khấu “0 đồng”, ông Tuấn khẳng định.
Theo ông Tuấn, kinh doanh xăng dầu là giao dịch hợp đồng thương mại giữa đơn vị kinh doanh xăng dầu và người mua. Dưới góc độ là doanh nghiệp nhà nước, trên tinh thần chia sẻ khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh, cần sự đồng hành lâu dài cả lúc khó khăn cũng như thuận lợi. Chúng tôi có lượng khách hàng lớn với mức chiết khấu khác nhau nên không thể nêu ra cụ thể từng mức đối với từng khách hàng.
Hiện nay, Petrolimex Sài Gòn có 71 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố; 52 cửa hàng xăng lẻ nhượng quyền bán lẻ; 123 cửa hàng xăng dầu của Petrolimex cung cấp cung cấp chỉ chiếm 20% số cửa hàng trong hơn 500 cửa hàng xăng dầu tại TPHCM, thị phần của Petrolimex chiếm khoảng 35%. |
Được biết, những ngày qua, một số cửa hàng tại thành phố dừng bán hoặc bán với lượng nhỏ giọt, lượng khách đổ dồn Petrolimex Sài Gòn rất lớn, tăng 125% đỉnh điểm có ngày tăng 240%. Tuy nhiên, Petrolimex SaiGon vẫn đáp ứng nguồn cung, bán hàng ổn định.
Bình quân mỗi ngày Petrolimex chỉ cung cấp 1.300 – 1.500 m3/ngày. Tuy nhiên, ngày 10/10, đơn vị cung cấp 3.200m3; ngày 11/10 cung cấp gần 2.900 m3, còn ngày 12/10 giảm xuống còn 2.000m3.
“Từ hôm nay đến 17/10, chúng tôi nhập về tổng kho Nhà Bè 100.000m3 xăng dầu, trong đó 80.000m3 nhập khẩu và 20.000 m3 từ các nhà máy trong nước. Dự kiến, tháng 10 sẽ nhập khoảng 40.000m3 xăng từ các nhà máy trong nước và 80.000m3 dầu nhập khẩu. Lượng bổ sung này, hoàn toàn có khả năng đáp ứng hệ thống phân phối của tập đoàn kể từ đầu tháng 11, để chuỗi cung ứng được liên tục, không bị gián đoạn” – ông Tuấn nói.
Đề cấp đến vấn đề các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa trong khi thực tế nguồn xăng dầu không thiếu, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết: “Tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn được lực lượng quản lý thị trường theo dõi chặt chẽ 24/24 giờ. Cửa hàng nào đóng cửa mà không có giấy phép chấp thuận của Sở Công thương đều bị xử lý, nếu phát hiện xăng vẫn còn trong các bồn. Vì thế không có hiện tượng găm hàng”.