Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải đối diện với tình trạng bị lừa gạt, chịu thiệt hại về tài sản, hàng hóa vì chủ quan và thiếu hiểu biết về đối tác của mình trong các giao dịch thương mại quốc tế. Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với nhiều đối tác hơn, sang nhiều sân chơi rộng hơn, luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo quốc tế cũng lớn hơn, phức tạp hơn.
Xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục hồi phục. Trong tháng 11/2023, xuất khẩu tăng 6,7% so với cùng kỳ, nhập khẩu tăng 5,1%, xuất siêu 1,28 tỷ USD. Tính chung 11 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 322,5 tỷ USD, nhập khẩu 296,67 tỷ USD và xuất siêu 25,83 tỷ USD.
Việc thị trường xuất nhập khẩu chưa thực sự bứt tốc liên quan khá nhiều đến tình trạng tranh chấp và gian lận thương mại.
Trong hội nghị diễn ra mới đây, ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các doanh nghiệp toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo, giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD.
Tại Việt Nam, 52% doanh nghiệp từng trải nghiệm lừa đảo hoặc tội phạm kinh tế, cao hơn mức 46% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu. Đối tượng lừa đảo các doanh nghiệp Việt Nam là từ khách hàng, nhà cung cấp và các bên trung gian, đại lý. Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
|
Theo khảo sát, giai đoạn trước năm 2020, đối tượng gây ra các vụ lừa đảo đối với các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đến từ châu Phi. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, tình trạng lừa đảo đã xảy ra phổ biến hơn ở những thị trường tiềm năng như Hà Lan, Hoa Kỳ, Canada, các tiểu vương quốc Arab thống nhất.
Tình trạng lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế có xu hướng tăng lên với thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện.
Theo Tham tán thương vụ Việt Nam tại Italia Dương Phương Thảo cho biết, hình thức lừa đảo phổ biến gồm: người mua phối hợp với đối tượng lừa đảo làm giả chứng từ chiếm đoạt giấy tờ gốc để chiếm đoạt hàng; doanh nghiệp mua hàng đã đặt cọc nhưng đối tác không giao hàng; đối tác thông báo mở tài khoản ở ngân hàng uy tín nhưng không hoạt động; công ty đối tác không giao hàng hoặc giao hàng không đạt tiêu chuẩn; hợp đồng ký cực kỳ sơ sài, đối tác không tuân thủ điều khoản...
Các vụ lừa đảo, gian lận thương mại thường có đặc điểm chung là đàm phán giá cả diễn ra nhanh chóng; đối tác chỉ liên lạc qua Internet, tin nhắn, dùng email miễn phí, không sử dụng email chính thức của doanh nghiệp, không muốn gặp trực tiếp hoặc trực tuyến; cung cấp tài khoản thanh toán ở nước thứ ba, tại ngân hàng nhỏ, tên chủ tài khoản không phải công ty đứng tên hợp đồng, giấy phép kinh doanh sắp hết hạn...
Về nguyên nhân bị lừa đảo, doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt đã bỏ qua khâu kiểm tra đối tác trong khi đây là một yêu cầu bắt buộc khi giao dịch với đối tác mới nên không nhận biết được những dấu hiệu rủi ro.
Thực tế, thời gian trước, vụ việc các doanh nghiệp Việt Nam bị lừa xuất khẩu hạt điều sang Italia đã gây rúng động dư luận với nguy cơ mất trắng hàng chục container trị giá hàng trăm tỷ đồng. Do có sự hỗ trợ đắc lực từ các bộ, ngành mà các doanh nghiệp đã không mất một container nào vào tay những kẻ lừa đảo, mặc dù chúng đã chiếm đoạt được gần 40 bộ chứng từ gốc của gần 40 container.
Nguyên nhân lừa đảo được xác định là do không kiểm tra kỹ thông tin đối tác, nên khi có dấu hiệu lừa đảo, tìm hiểu thì được biết các thông tin, địa chỉ nêu trong hợp đồng là địa chỉ giả, không phải nơi đăng ký doanh nghiệp.
Hay như lô hàng 5 container hồ tiêu, quế, hoa hồi, điều… xuất khẩu sang các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), tổng trị giá 516.761 USD có dấu hiệu bị lừa đảo xuất khẩu. Đến nay, 4 lô hàng hồ tiêu, quế và điều bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán, 1 lô hàng hoa hồi bị mất bộ chứng từ gốc, được giữ tại cảng Dubai.
Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các thương vụ đã cùng đưa ra các khuyến nghị giúp doanh nghiệp tránh vướng vào các vụ lừa đảo thương mại quốc tế.
Tham tán thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha Vũ Chiến Thắng đề xuất, các doanh nghiệp nên phối hợp với các thương vụ để xác minh đối tác. Trước khi đi đến ký kết cần yêu cầu đối tác cung cấp các thông tin có bản sao công chứng của nước sở tại về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, người đại diện pháp luật, nghĩa vụ hoàn thành thuế, báo cáo tài chính…
Bên cạnh đó, cần thảo luận kỹ các điều khoản trong hợp đồng như phương thức thanh toán cần có bảo lãnh của ngân hàng bên mua, cần nâng cao phần trăm đặt cọc ít nhất 35-40%. Tăng cường phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng nước sở tại để giúp xác minh tính xác thực cũng như uy tín của doanh nghiệp sở tại.
Theo bà Dương Phương Thảo, tham tán thương mại Việt Nam tại Italia, khi ký hợp đồng với môi giới cần làm rõ điều khoản về chi phí thu hồi tiền hàng, trách nhiệm xác định danh tính của người mua và không nên sử dụng hợp đồng môi giới soạn sẵn hoặc bên môi giới cung cấp. Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước cần nâng cao nghiệp vụ, nhất là kiến thức về thương mại quốc tế.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần tìm kiếm đối tác qua các kênh uy tín, qua giới thiệu của bộ, ngành, các cơ quan đại diện và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan xúc tiến thương mại, các hiệp hội doanh nghiệp. Nếu tìm đối tác qua mạng Internet, doanh nghiệp nên sử dụng các trang mạng chính thức của hiệp hội, ngành nghề các nước.
Khi ký kết hợp đồng không được chung chung, sơ sài. Nếu doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm trong soạn thảo hợp đồng có thể thuê công ty luật có kinh nghiệm trong thương mại quốc tế soạn những mẫu hợp đồng chuẩn nhằm bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp.
Để tránh tình trạng bên bán giao hàng không đúng chủng loại, không đúng chất lượng thì nên thêm điều khoản giám định, kiểm định hàng hoá trước khi niêm phong, kẹp chì. Đối tác giám định do bên mua chỉ định hoặc bên thứ 3 có uy tín được thống nhất, thoả thuận trong hợp đồng. Đặc biệt, người ký hợp đồng phải là người đại diện theo thẩm quyền của pháp luật.
Bà Thảo cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên làm quen với sử dụng dịch vụ tư vấn và dịch vụ pháp lý chuyên ngành.
"Doanh nghiệp phải coi các công ty tư vấn và pháp lý là người bạn đồng hành trong toàn bộ quá trình kinh doanh chứ không chỉ là tiếp cận họ khi xảy ra tranh chấp. Vì các công ty này có kinh nghiệm giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, rà soát hợp đồng, giúp doanh nghiệp tránh được các điều khoản bất lợi", bà Thảo nhấn mạnh.