Năm 2022 là một năm khó khăn với nhiều doanh nghiệp bất động sản khi phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, cắt giảm nhân sự. Ảnh: Quỳnh Danh.
Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý IV và cả năm 2022. Theo đó, cơ quan này đánh giá trong năm 2022, các dự án bất động sản mới được cấp phép tiếp tục giảm so với năm 2021 khiến nguồn cung nhà ở đặc biệt là nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp vẫn còn hạn chế.
Riêng trong quý IV, cả nước chỉ có 22 dự án với 5.995 căn được cấp phép (bằng khoảng 45% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, Hà Nội và TP.HCM chỉ có 6 dự án được cấp phép. Ngoài ra, trong 3 tháng cuối năm có 466 dự án với 228.029 căn đang triển khai xây dựng; 28 dự án với 3.258 căn đã hoàn thành xây dựng.
Tính chung cả năm 2022, cả nước có 126 dự án với 55.732 căn hộ được cấp phép (bằng khoảng 53% so với năm 2021); 466 dự án với 228.029 căn hộ đang được triển khai xây dựng (bằng khoảng 48% so với năm 2021); 91 dự án với 18.206 căn hộ đã hoàn thành xây dựng (bằng khoảng 55% so với năm 2021).
Theo cơ quan quản lý, trong quý cuối năm, giá giao dịch bình quân các loại căn hộ chung cư không tăng so với quý trước. Các chủ đầu tư vẫn tiếp tục áp dụng những chính sách cam kết, chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ lãi suất… nhằm kích cầu thị trường.
Các dự án có giá bán dưới 25 triệu đồng/m2 tại Hà Nội và TP.HCM rất ít, chủ yếu tập trung ở các khu vực xa trung tâm thành phố. Sản phẩm chủ đạo trên thị trường vẫn là các căn hộ phân khúc trung cấp.
Đặc biệt, tại Hà Nội và TP.HCM một số dự án có vị trí đặc biệt, trung tâm có mức giá quảng cáo, chào bán cao như: Dự án Masteri West Heights thuộc khu đô thị Vinhomes Smart City (Tây Mỗ, TP Hà Nội) có giá bán 70-80 triệu đồng/m2; Dự án Empire City Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) có giá khoảng 105-221 triệu đồng/m2...
Đối với nhà ở riêng lẻ, đất nền, trong quý IV, giá giao dịch bình quân nhà ở riêng lẻ, đất nền cơ bản không tăng so với quý trước; cá biệt có một số dự án tại một số khu vực có xu hướng giảm nhưng không nhiều.
ộ Xây dựng đánh giá bất động sản công nghiệp được ghi nhận là điểm sáng của thị trường bất động sản năm 2022 với tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp trên cả nước có xu hướng tăng, đạt khoảng trên 80%. Giá thuê tăng khoảng 10% so với kỳ trước, trung bình 100-120 USD/m2/chu kỳ thuê và có xu hướng tiếp tục tăng, nhất là tại thị trường phía Nam do nguồn cung hạn chế.
Cả năm 2022, cả nước có 785.637 giao dịch bất động sản thành công. Trong đó, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công là 154.756 giao dịch; lượng giao dịch đất nền thành công là 630.881 giao dịch. Riêng tại TP Hà Nội có 7.662 giao dịch và TP.HCM có 10.780 giao dịch thành công.
Bộ Xây dựng đánh giá năm 2022, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản bộ máy, giảm lực lượng lao động. Đặc biệt phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, có tập đoàn giảm đến 50% lao động.
Trong năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới là 8.593 doanh nghiệp, tăng khoảng 14%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 2.081 doanh nghiệp, tăng khoảng 57%; số doanh nghiệp tuyên bố phá sản, giải thể tăng khoảng 39% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, chi phí của doanh nghiệp tăng cao, thiếu dòng tiền, khách hàng mua bất động sản khó tiếp cận vốn vay và khó khăn trong phát hành trái phiếu...
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản khoảng 800.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, về tình hình phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản khó khăn hơn trong việc phát hành trái phiếu tạo nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án cũng như cân đối dòng tiền trong hoạt động của doanh nghiệp.
Riêng, trong tháng 12/2022, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính đến 25/12/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó của doanh nghiệp bất động sản là 419.000 tỷ đồng (chiếm 34%).
Trong cuối năm 2022 và thời gian tới, một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc tháo gỡ khó khăn trong triển khai thủ tục pháp lý các dự án bất động sản.
Đặc biệt, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, đề xuất phương án điều hành trần (room) tín dụng; hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện...
Bộ Tài chính cần kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá...
Nguồn: Thanh Thương/zingnews.vn