Cụ thể, Nghị số 07/2023/NQ-HĐQT.HBC thông qua việc rút đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và tư cách thành viên HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình của ông Lê Viết Hải.
Song song đó, HĐQT Tập đoàn cũng ban hành Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐQT.HBC thông qua việc hủy bỏ 3 nghị quyết gồm: Nghị quyết số 50 và 51 (Cùng ban hành ngày 14/12/2022) và Nghị quyết số 53 ban hành ngày 31/12/2022. Đây là các khởi nguồn cho việc tranh chấp vị trí Chủ tịch HĐQT của tập đoàn giữa ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú.
Cụ thể, Nghị quyết số 50 ngày 14/12/2022, chấp thuận Đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải từ ngày 1/1/2023 cũng như xin rút khỏi tư cách Thành viên HĐQT tập đoàn; thông qua việc thành lập Hội đồng Sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và ông Lê Viết Hải là Chủ tịch Hội đồng Sáng lập.
Cùng ngày, HĐQT cũng đã ban hành Nghị quyết số 51 thi hành việc bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức vụ Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn. Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2022, Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết số 53 hoãn thi hành hai nghị quyết trên, mở bàn của “cuộc chiến” về vị trí Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình khi ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú đều khẳng định mình là Chủ tịch của tập đoàn.
Như vậy, cùng với việc ông Nguyễn Công Phú rút khỏi HĐQT từ ngày 13/2/2023, cuộc “nội chiến” tranh chấp vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã chính thức khép lại với việc ông Lê Viết Hải chính thức trở lại Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn.
Ngoài 2 nghị quyết trên, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng công bố nghị quyết Thông qua kế hoạch tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2023. Theo đó, Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông tham dự là ngày 24/3/2023. Thời gian tổ chức đại hội dự kiến vào ngày 26/4/2023.
Bên cạnh đó là nghị quyết thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng.
Kế hoạch kinh doanh này được đánh giá là vô cùng thách thức, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, khiến ngành xây dựng cũng lao đao. Hòa Bình khong phải là ngoại lệ khi năm 2022, doanh nghiệp này lỗ trước thuế 1.102 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 148 tỷ đồng; lỗ sau thuế 1.140 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 97 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hoà Bình lỗ sau thuế và lại lỗ rất đậm.
Được biết, năm 2022, Hoà Bình đặt mục tiêu doanh thu thuần 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành được 80% mục tiêu doanh thu và không hoàn thành được mục tiêu lợi nhuận, thậm chí bị âm rất nặng.