Tấn công mạng luôn là vấn đề nóng hiện nay, nhất là khi số lượng và mức độ phức tạp của các cuộc tấn công này càng tăng.
Cũng nửa đầu năm nay, có gần 400 website của các cơ quan nhà nước và tổ chức giáo dục bị hacker tấn công, chèn mã quảng cáo cờ bạc, cá độ… Hơn 83.000 máy tính, máy chủ bị mã độc mã hoá dữ liệu tống tiền tấn công, tăng 8,4% so với năm 2022. Đặc biệt, có nhiều website bị tấn công lại nhiều lần mà không có cách khắc phục triệt để… Tình trạng dữ liệu cá nhân bị lộ ở mức báo động, kéo theo hàng loạt hình thức lừa đảo trực tuyến liên tục xảy ra ngày càng tinh vi và phức tạp thông qua các công nghệ tiên tiến như AI, deepfake…
Thông tin này được đưa ra tại hội thảo “Chính quyền số và an toàn thông tin” do Công viên phần mềm Quang Trung phối hợp cùng Hội Tin học Thành phố (HCA), Liên minh Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh (DTA) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 11/7.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng phòng An toàn thông tin, Trung tâm Viễn thông QTSC cho biết thêm, số lượng các cuộc tấn công mạng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, với các phương thức tấn công ngày càng tinh vi. Nguyên nhân chính gây nên rủi ro an toàn thông tin trên không gian mạng, phần lớn là do nhận thức của người dân, cán bộ công chức, đơn vị chưa cao. Bên cạnh đó, người dân sử dụng mật khẩu yếu và không thay đổi thường xuyên, mở các tệp đính kèm hoặc liên kết không rõ nguồn gốc, chia sẻ thông tin trên các trang web, mạng xã hội.
Trước nguy cơ tấn công mạng ngày càng tăng, ông Lâm khuyến cáo, các đơn vị nên tự xây dựng hoặc mua các giải pháp phóng chống từ những đơn vị công nghệ, kiểm soát tài khoản lưu trữ. Ngoài ra, nên có các phương án sao lưu và lưu trữ dữ liệu khác nhau, nhằm hạn chế rủi ro khi bị mất dữ liệu.
Hiện nay là nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã và đang đầu tư, tăng ngân sách cho an ninh mạng (tăng 30% so với năm trước); có đến hơn 70% các tổ chức lớn đã có kế hoạch triển khai giải pháp an ninh mạng dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI).
Bà Lê Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin VNPT TPHCM, cũng cho rằng, 95% các vụ mất an toàn bảo mật do lỗi từ con người gây ra. Để bảo vệ và khôi phục dữ liệu bị mất, doanh nghiệp có thể sử dụng quy tắc sao lưu 3-2-1-1-0. Cụ thể, phải có 3 bản sao dữ liệu – trên 2 phương tiện khác nhau – 1 bản sao lưu bên ngoài (khác nơi làm việc) – 1 bản sao đang ở chế độ ngoại tuyến (dự phòng) – 0 xảy ra lỗi khi thực hiện phục hồi dữ liệu. Theo bà Thảo, quy tắc này rất quan trọng, có khả năng phục hồi cao để giúp đảm bảo khôi phục dữ liệu trong các sự cố ransomware.
Theo bà Phạm Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc QTSC, chính quyền số mang lại nhiều lợi ích cho cả chính quyền và người dân, giúp tiết kiệm nguồn lực và thời gian, thông tin minh bạch và đáng tin cậy, hiệu quả trong quản lý, thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, chuyển đổi số đặt ra những thách thức không nhỏ, nhất là bảo mật thông tin và quyền riêng tư trên không gian mạng. Đảm bảo an toàn thông tin, không những cho chính quyền số mà còn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội trở thành một phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh quốc gia.
Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Liên minh chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh (DTA), chia sẻ các tập đoàn lớn về công nghệ thông tin tại Việt Nam có tiềm lực mạnh để giải quyết các bài toán lớn của quốc gia nhưng chưa đáp ứng được các giải pháp mang tính chi tiết và phù hợp với chính quyền số các cấp. Vì vậy, DTA đã và đang liên kết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số nhằm tạo ra sức mạnh, đồng hành cùng chương trình Chuyển đổi Số Quốc gia, góp phần vào sự phát triển của chính quyền số.