Để cải thiện hiệu quả kinh doanh cũng như nâng cao thu nhập cho xã viên, Tân Hợi đang tính chuyện kết hợp sản xuất nông nghiệp và du lịch. Hiện tại, hợp tác xã đang làm du lịch trải nghiệm việc trồng trọt và hái lượm, hướng tới mô hình trải nghiệm giáo dục nông nghiệp cho các em học sinh; làm du lịch sinh thái để du khách trải nghiệm nông sản sạch. “Chúng tôi chỉ làm mô hình du lịch trải nghiệm, còn làm kiểu farmstay hay homestay thì rất vướng”, bà Lê Thị Huệ - Phó giám đốc hợp tác xã chia sẻ.
Trong đó, cái vướng lớn nhất là do trên đất nông nghiệp không thể xây dựng các công trình kiên cố mà chỉ được làm mô hình nhà lắp ghép, nhà sàn.
Trường hợp như Tân Hợi không hiếm. Trang trại Đồng quê Ba Vì hiện đang xây dựng các tour du lịch nông nghiệp, đóng góp vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc có sự giao thoa Kinh, Mường, Dao. Trang trại phát triển các cơ sở nền tảng, cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, và thuyết phục người nông dân bản địa tham gia vào hệ thống của trang trại. Du khách đến đây và được trực tiếp tham gia lao động, sản xuất nông nghiệp cùng với những người nông dân địa phương, trên những thửa ruộng, đồi chè truyền thống.
TS. Ngô Kiều Oanh - chủ Trang trại Đồng quê Ba Vì (Hà Nội) nhấn mạnh, phát triển du lịch nông nghiệp là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay, khi các mô hình hợp tác xã thuần nông không thể đảm bảo thu nhập cho xã viên.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: “Việc phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ đem lại lợi ích cho ngành du lịch mà còn góp phần tăng giá trị cho vùng đất, đem lại cơ hội phát triển kinh tế và cải thiện đời sống cho cộng đồng địa phương”.
Ông Lê Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai - Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong thời gian qua, một số địa phương đã xuất hiện mô hình du lịch kết hợp với nghỉ dưỡng homestay như Hòa Bình, Quảng Bình... Tuy nhiên, việc phát triển loại hình du lịch nông nghiệp đang gặp phải một số tồn tại. Trong khi pháp luật đất đai chưa quy định các chính sách về kết hợp kinh doanh cảnh quan du lịch sinh thái, các quy định về tách thửa đất nông nghiệp… khiến loại hình kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng phát triển một cách tự phát... Mô hình du lịch sinh thái kết hợp với du lịch trải nghiệm là một hướng đi hợp lý, nhưng tiềm ẩn phá vỡ quy hoạch vùng, quy hoạch sử dụng đất.
Trong khi đó, mô hình homestay có sử dụng đất để xây dựng cư trú trên đất nông nghiệp hay đất rừng tạo nên hình thức sử dụng đất hỗn hợp. Nhưng pháp luật về đất đai hiện hành chưa có quy định quy hoạch kế hoạch mô hình nghỉ dưỡng trên đất nông nghiệp.
Theo ông Bình, cần phải sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về đất đai để tạo hành lang pháp lý cho loại hình du lịch nông nghiệp này phát triển đúng hướng và bền vững.
Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế - Đại học Luật Hà Nội, cần nhanh chóng rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý về thị trường bất động sản nói chung và phân khúc thị trường bất động sản du lịch nông nghiệp nói riêng, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Khi hoàn thiện, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản… cần bổ sung một số điều tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho bất động sản du lịch nông nghiệp vận hành, phát triển thông suốt, đồng bộ, lành mạnh, sau đó cụ thể hóa bằng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành.