Mới đây, thượng tá Trương Anh Vũ, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Hà Nam cho biết, đơn vị đã khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can và thu hồi trên 2 tỷ đồng cho Nhà nước. Theo kết quả điều tra, một đối tượng đã dùng chứng minh thư (CMT) của người khác để thành lập doanh nghiệp, sau đó xuất 13 hóa đơn điện tử khống với tổng giá trị hàng hóa trên 28 tỷ đồng cho một doanh nghiệp khác để thu lợi bất chính gần 800 triệu đồng.
Trước đó, Công an TP. Hồ Chí Minh vừa mở rộng điều tra, phát hiện đường dây in, phát hành, mua bán hóa đơn khống xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và nhiều tỉnh, thành khác với số tiền lên đến 4.000 tỷ đồng. Cụ thể, các đối tượng liên quan khai nhận, từ năm 2018 đến nay đã dùng CMT của người khác để thành lập 49 “công ty ma” tại TP. Hồ Chí Minh, 10 công ty khác tại Đồng Nai. Sau đó, các đối tượng tìm khách hàng, chào bán hóa đơn giá trị gia tăng ghi khống nội dung với mức giá thỏa thuận là 1,5% - 2% trị giá hóa đơn chưa thuế.
Dù các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm hành vi mua/bán hóa đơn điện tử khống nhưng vấn nạn này vẫn tồn tại dai dẳng. Đáng chú ý, hành vi này còn diễn ra công khai trên mạng xã hội. Theo khảo sát của phóng viên, trên mạng xã hội Facebook, Zalo có hàng loạt nhóm mua bán hóa đơn với số thành viên lên tới vài chục nghìn người. Người có nhu cầu sẽ phải trả mức phí từ 3 đến 7% tổng giá trị hóa đơn và cung cấp thông tin đã có thể sở hữu hóa đơn khống với số lượng “bao nhiêu cũng có”. Cùng với đó, đội ngũ môi giới, cộng tác viên bán hóa đơn điện tử khống cũng có “đất” để hoạt động bởi thù lao cho hóa đơn có giá trị dưới 1 triệu đồng, được hưởng công 100 nghìn đồng; từ 1-3 triệu đồng là 120 nghìn đồng; từ 3,5 -20 triệu đồng, tiền công bằng 2,8-3,5% giá trị hóa đơn.
Theo các chuyên gia, hoạt động này diễn ra ngày càng tinh vi xuất phát từ nhu cầu sử dụng hóa đơn điện tử rất lớn. Trong khi đó, công tác quản lý hóa đơn điện tử phức tạp hơn môi trường quản lý hóa đơn giấy; các cơ quan chức năng lại chưa đồng bộ được trong quản lý.
Để có thể ngăn chặn tình trạng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có Công điện số 01/CĐ-BTC gửi Tổng cục Thuế và cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử. Theo đó, các đơn vị cảnh báo kịp thời các hành vi vi phạm, tội phạm về thuế; xây dựng kế hoạch tổng thể, có tính hệ thống để phổ biến, giáo dục pháp luật về thuế, không để xảy ra các vi phạm về phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử; các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm theo quy định.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chỉ đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử và các đơn vị có liên quan phối hợp với cơ quan thuế để ngăn chặn, gỡ bỏ, xử lý các website có dấu hiệu thông tin, quảng cáo mua bán hóa đơn trên không gian mạng. Đây là biện pháp phối hợp cần thiết trước tình trạng tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng không gian mạng xã hội đăng tải thông tin, quảng cáo mua bán trái phép hóa đơn gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.
Đối với người mua bán hóa đơn điện tử khống, các luật sư cũng cho biết, tùy từng mức độ, nhẹ sẽ bị xử phạt hành chính, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.