Thương vụ VPBank bán 15% vốn cho đối tác Nhật SMBC đã chính thức được ký kết sau nhiều đồn đoán. Ảnh: VPB.
Sáng 27/3, VPBank đã chính thức ký kết thỏa thuận phát hành 15% vốn cổ phần cho đối tác Nhật Bản - Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). Với giá trị thương vụ lên tới gần 36.000 tỷ đồng, đây là một trong những thương vụ bán vốn cho đối tác ngoại lớn nhất ngành ngân hàng từ trước đến nay.
Thực tế, thông tin thương vụ hợp tác giữa VPBank và SMBC đã xuất hiện từ lâu trên thị trường. SMBC ban đầu là cổ đông lớn tại Eximbank, nhưng đến tháng 4/2021, tập đoàn tài chính Nhật Bản này đã ký kết thỏa thuận mua lại 49% vốn điều lệ tại FE Credit - công ty con của VPBank - với giá trị gần 1,4 tỷ USD.
Để có thể chính thức đầu tư vào VPBank, SMBC đã phải thoái vốn khỏi Eximbank sau hơn 15 năm đầu tư (theo quy định, một nhà đầu tư tổ chức chỉ được là cổ đông lớn - nắm trên 5% vốn - tại một ngân hàng Việt Nam).
Chia sẻ tại buổi ký kết, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, cho biết ngân hàng và SMBC đã mất tới 2 năm để đi đến thỏa thuận cuối cùng này. Trong năm vừa qua, đối tác Nhật Bản cũng đóng vai trò là bên thu xếp nhiều khoản huy động vốn từ thị trường quốc tế cho VPBank.
Theo thỏa thuận, khoản đầu tư từ SMBC sẽ giúp vốn cấp 1 của VPBank tăng thêm 35.900 tỷ đồng, nâng tổng vốn chủ sở hữu của ngân hàng này lên xấp xỉ 140.000 tỷ. Đây cũng là một trong những phương án tăng vốn đã được ban lãnh đạo VPBank đề xuất và được cổ đông ngân hàng thông qua từ năm 2022.
Tại thị trường trong nước, VPBank là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân quy mô lớn. Những năm gần đây, VPBank, MBBank và Techcombank luôn là bộ ba dẫn đầu về kết quả lợi nhuận của nhóm.
Giá cổ phiếu VPB đã tăng vọt trong một tháng qua, trước khi thương vụ bán vốn cho đối tác Nhật chính thức được ký kết. Nguồn: Tradingview.
Tính đến cuối năm 2022, VPBank có tổng tài sản đạt trên 631.000 tỷ đồng, trong đó hai chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất là cho vay khách hàng đạt gần 424.700 tỷ và tiền gửi của khách hàng đạt 303.150 tỷ đồng. Cũng trong năm vừa qua, ngân hàng đã thu về khoản lãi trước thuế 21.220 tỷ đồng, tăng 48% so với năm liền trước. Đây là khoản lợi nhuận cao thứ 5 trong hệ thống ngân hàng và cao thứ 3 nếu tính riêng trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Về phía Sumitomo Mitsui Banking Corporation, đây là ngân hàng thành viên thuộc tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) của Nhật Bản. Trước khi đầu tư vào FE Credit và VPBank, SMBC là cổ đông chiến lược tại Eximbank từ 2007 sau thỏa thuận chi khoảng 225 triệu USD để sở hữu 15% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, sau nhiều tranh chấp chưa thể thu xếp ở thượng tầng ngân hàng này, cổ đông SMBC đã rút đại diện khỏi Eximbank từ cuối năm 2019, đồng thời chuyển hướng đầu tư vào FE Credit và VPBank.
Đầu tháng 2/2022, HĐQT Eximbank đã công bố quyết định chấm dứt thỏa thuận liên minh với cổ đông SMBC theo yêu cầu từ đối tác Nhật, kết thúc 15 năm hợp tác. Tương tự, SMBC cũng công bố văn bản chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank.
Đến tháng 1 năm nay, SMBC thông báo đã bán thỏa thuận hơn 132,8 triệu cổ phiếu EIB, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,27% (52,5 triệu cổ phiếu) và không còn là cổ đông lớn tại ngân hàng này. Do không còn là cổ đông lớn các giao dịch thoái vốn sau đó của SMBC cũng không cần công bố thông tin.
Trên thị trường chứng khoán, trước khi chính thức công bố thương vụ bán vốn cho SMBC, cổ phiếu VPB đã ghi nhận chuỗi phục hồi ấn tượng trong tháng 3. Từ vùng giá dưới 17.000 đồng/cổ phiếu, mã chứng khoán này đã tăng một mạch lên vùng hơn 21.000 đồng hiện tại, tương đương mức tăng ròng gần 25% chỉ sau một tháng. Tại vùng giá này, vốn hóa thị trường của VPBank vào khoảng 142.000 tỷ đồng.
Nguồn: Quang Thắng/zingnews.vn