Là cửa ngõ kết nối với các nước trong Tiểu vùng sông Mekong và ASEAN, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực làm mới các sản phẩm du lịch, liên kết và mở rộng không gian du lịch theo trục Hành lang kinh tế Đông - Tây. Hai địa phương này đang xúc tiến mở lại các tour du lịch đường bộ khu vực biên giới, kết nối sang Lào, Thái Lan.
Hiệp hội Du lịch 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng vừa phối hợp tổ chức khảo sát tour caravan để tìm hiểu cơ hội liên kết du lịch giữa miền Trung Việt Nam với các tỉnh Nam Lào. Trong hành trình 5 ngày 4 đêm, đại diện hơn 40 doanh nghiệp ở Quảng Nam và Đà Nẵng đã trải nghiệm những cung đường hiểm trở, khám phá làng quê xanh mướt, hoang sơ cùng nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở Nam Lào.
Tour du lịch đường bộ khu vực biên giới, kết nối sang Lào, Thái Lan.
Bà Lương Thuý Hà - chủ cơ sở du lịch tại Hội An (Quảng Nam) cho biết các thành viên trong đoàn đã vượt qua cung đường dài hơn 1.500km bằng ô tô, mỗi điểm dừng chân trên chặng đường khám phá vùng đất phía Nam của “xứ sở Triệu Voi” đã mang lại nhiều cảm xúc, khi được trải nghiệm tại các địa danh Paksong, cao nguyên Bolaven, thành phố Pakse…
“Tôi nhìn thấy cơ hội liên kết, phát triển du lịch giữa các tỉnh miền Trung với các tỉnh Nam Lào vì khí hậu tương đồng và cung đường đi không quá xa, đi từ Đà Nẵng hay Quảng Nam đều thuận lợi. Điều này mở ra sự liên kết, tạo nên những sản phẩm du lịch đa dạng hơn” - bà Lương Thuý Hà nói.
Di sản thế giới Wat Phou ở thành phố Pakse, tỉnh Champasak.
Di sản thế giới Wat Phou ở thành phố Pakse, tỉnh Champasak là một trong những điểm đến ấn tượng nhất của tour caravan khám phá Nam Lào. Wat Phou có niên đại từ thế kỷ thứ 5, là đền thờ xưa nhất ở Lào. Chị Noi, hướng dẫn viên du lịch tại đây cho biết năm 2001, Wat Phou được UNESCO ghi danh là Di sản thế giới, nơi đây luôn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của công trình kiến trúc độc đáo.
“Wat Phou của Lào cũng có những nét tương đồng với Di sản thế giới Mỹ Sơn của Việt Nam. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, 2 nước mở cửa thì du khách đến thăm di sản này cũng hầu hết là người Việt Nam và người dân địa phương. Du khách quốc tế và từ châu Âu vẫn chưa trở lại nhiều như trước đây” - chị Noi cho biết.
Du khách được trải nghiệm những cung đường hiểm trở, khám phá làng quê xanh mướt.
Kết nối du lịch khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng gồm 6 nước: Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc… được xem là giải pháp quan trọng để phục hồi ngành du lịch sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngoài nỗ lực liên kết các sản phẩm du lịch ở khu vực Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với các điểm du lịch lớn trên cả nước, các địa phương miền Trung đang xúc tiến mở rộng không gian du lịch theo trục hành lang kinh tế Đông - Tây.
Ông Hồ Thanh Tú - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết thời gian đến, Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam xây dựng chương trình phối hợp, liên kết các hãng lữ hành, doanh nghiệp, người làm du lịch để mở lại các tour du lịch đường bộ khu vực biên giới, kết nối sang Lào, Thái Lan.
“Chúng tôi thấy rõ tiềm năng để trải nghiệm nền văn hóa trải dài từ phía huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đến khu vực Nam Lào. Các cung đường cũng như các điều kiện thuận lợi để phát triển hình thức tour caravan với nhiều tín hiệu tốt. Trước đây, các tuyến caravan kết nối giữa khu vực Đông Bắc Thái Lan, Lào đến với Việt Nam đã hình thành. Chúng tôi kỳ vọng tuyến đường này tiếp tục kết nối được Lào với tỉnh Quảng Nam và chuỗi hành trình di sản của khu vực miền Trung” - ông Hồ Thanh Tú nói./.
Nguồn: Long Phi/vov.vn