Nhập từ khóa tìm kiếm "đọc trộm tin nhắn", "dịch vụ đọc trộm"... trên nền tảng Facebook, chúng tôi nhận được kết quả hàng chục group quảng cáo dịch vụ với số lượng thành viên lên đến hàng chục ngàn người. Bên cạnh đó còn có dịch vụ nghe lén cuộc gọi, theo dõi định vị trên sim điện thoại...
Trong vai là khách đang có nhu cầu xem tin nhắn của người khác trên Facebook và Zalo, chúng tôi liên hệ với admin của Fanpage "Dịch vụ đọc trộm theo dõi tin nhắn" và được báo giá 1 triệu đồng đối với tin nhắn Messenger và 2,5 triệu đồng đối với tin nhắn Zalo. Thời hạn sử dụng dịch vụ là cho đến khi chủ tài khoản bị đọc trộm đổi mật khẩu mới.
Theo hướng dẫn, khách chỉ cần gửi đường link Facebook hoặc số điện thoại Zalo của người cần theo dõi, phía cung cấp dịch vụ đọc trộm có thể giúp đọc toàn bộ tin nhắn, kể cả dữ liệu bị xóa. "Tôi sẽ kiểm tra mật khẩu của chủ tài khoản Facebook và Zalo, sau đó bạn đăng nhập vào xem tin nhắn. Tuy nhiên, bạn phải truy cập thông qua link chúng tôi cung cấp, nhập thông tin do chúng tôi gửi và treo tài khoản trên đường link đó để tin nhắn được cập nhật thường xuyên" - admin Fanpage nói trên tư vấn.
Một trang Facebook khác có tên "Công ty công nghệ đáp ứng nhu cầu thiết yếu từ xa" cũng quảng cáo dịch vụ cung cấp phần mềm theo dõi điện thoại từ xa. Trang này đưa ra mức phí sử dụng phần mềm nghe lén, đọc trộm tin nhắn trên mạng xã hội và sim điện thoại chỉ 600.000 đồng/lần, duy trì sử dụng với mức phí 230.000 đồng/tháng. Sau khi được gửi link, khách hàng nhập số điện thoại của người muốn theo dõi vào và chuyển khoản tiền phí.
Một số người dùng Facebook phản ánh dịch vụ đọc trộm, nghe lén hay khôi phục tin nhắn được quảng cáo trên mạng xã hội đa phần là lừa đảo. Để tạo lòng tin, các đối tượng thường tư vấn nhiệt tình, cam kết trả lại tiền nếu không hack được tài khoản. Thế nhưng, sau khi chuyển tiền, các nạn nhân liền bị các đối tượng lừa đảo chặn tin nhắn và cuộc gọi.
Ông Phạm Đình Thắng, chuyên gia bảo mật, cảnh báo những người có nhu cầu đọc trộm tin nhắn khi truy cập vào link không rõ nguồn gốc do bên cung cấp dịch vụ gửi thì có thể trở thành con mồi đầu tiên của đối tượng lừa đảo. "Các đường dẫn đó khả năng rất cao là có chứa mã độc, đồng nghĩa với việc đối tượng xấu có thể xâm nhập vào thiết bị của người mua để thu thập thông tin, thậm chí chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Hoặc, có nguy cơ bị các đối tượng sử dụng thông tin cá nhân để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác" - ông Thắng lưu ý.
Cũng theo ông Thắng, có thể đọc trộm, nghe lén được tin nhắn, cuộc gọi khi bên dịch vụ gắn được phần mềm chứa mã độc vào thiết bị của người bị theo dõi. Tuy nhiên, nếu chỉ cung cấp mỗi số điện thoại hoặc địa chỉ Facebook thì không thể thực hiện được mục đích trên, trừ khi người bị theo dõi sử dụng mật khẩu rất đơn giản nhưng tỉ lệ này rất hiếm.
Theo ông Huỳnh Trọng Thưa, chuyên gia an toàn thông tin, có thể đọc trộm tin nhắn của tài khoản Facebook bằng cách khiến người bị theo dõi truy cập vào đường link chứa mã độc như phần mềm Keylogger. Sau đó, các cuộc gọi Facebook sẽ tự động bị ghi âm, ghi hình và chuyển qua bên cung cấp dịch vụ "bẩn". "Các đối tượng cung cấp dịch vụ này đều ở trong bóng tối nên việc khách hàng chuyển tiền trước rồi chúng biến mất là điều dễ xảy ra. Chưa kể, người sử dụng dịch vụ không chỉ là nạn nhân bị lừa đảo mà đồng thời còn vi phạm pháp luật" - ông Thưa khuyến nghị.
Phân tích sâu về góc độ pháp lý, luật sư Trương Văn Tuấn, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, cho hay hành vi đọc trộm tin nhắn, nghe lén cuộc gọi là xâm phạm quyền bí mật đời tư. Người vi phạm có thể bị phạt tiền 10 - 60 triệu đồng tùy mức độ và hậu quả. Ngoài ra, người vi phạm còn buộc phải hủy bỏ toàn bộ thông tin thu thập được do thực hiện hành vi vi phạm.
Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác" quy định tại Bộ Luật Hình sự với mức phạt tù lên đến 5 năm. Trong trường hợp có hành vi đưa ra thông tin gian dối nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác, nhóm các đối tượng này còn có thể bị phạt tiền 2 - 3 triệu đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với mức phạt cao nhất là tù chung thân.
Gã khổng lồ công nghệ cũng xâm phạm đời tư? Mới đây, Meta (công ty mẹ của Facebook) bị tố cấp cho Netflix quyền truy cập tin nhắn người dùng Messenger để thu thập dữ liệu cho mục đích quảng cáo. Dù Meta đã phủ nhận cáo buộc với giải thích rằng quyền truy cập chỉ nhằm mục đích cho phép người dùng chia sẻ nội dung đang xem với bạn bè nhưng dư luận cho rằng việc mua bán dữ liệu người dùng cho bên thứ ba mà không có sự đồng ý là hành động vi phạm trắng trợn quyền riêng tư của người dùng. Bình luận về câu chuyện này, ông Phạm Đình Thắng cho rằng có khả năng đây là cách để các các hãng kinh doanh dịch vụ công nghệ kiếm tiền trong bối cảnh doanh thu sụt giảm mạnh qua từng năm. Trong khi đó, ông Huỳnh Trọng Thưa nhìn nhận Meta có thể sẽ không bất chấp đánh đổi uy tín của mình chỉ để tăng doanh thu từ quảng cáo, dù việc này mang lại lợi ích lớn là khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận những sản phẩm, dịch vụ phù hợp nhất với nhu cầu. |