Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard, Duke và California-San Diego (Mỹ) đã phân tích các mẫu biểu mô khứu giác được thu thập từ 24 mẫu sinh thiết của 9 bệnh nhân bị mất khứu giác lâu dài - còn gọi là anosmia, sau khi mắc COVID-19.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, tình trạng này liên quan đến một cuộc tấn công miễn dịch nhằm vào các tế bào thần kinh khứu giác và việc giảm số lượng các tế bào này.
(Ảnh minh họa)
PGS Bradley Goldstein, tại Khoa Phẫu thuật Đầu - Cổ và Khoa học Giao tiếp tại Đại học Duke cho biết, một số người bị mắc COVID-19 sẽ hồi phục khứu giác trong khoảng 1-2 tuần sau đó. Nhưng có một số người không thể khôi phục hoàn toàn khứu giác. Trong nghiên cứu được công bố trên trang Science Translational Medicine, các nhà nghiên cứu đã phân tích biểu mô khứu giác, là mô trong mũi - nơi đặt các tế bào thần kinh khứu giác, của những người bị mất khứu giác trong thời gian dài hậu COVID-19. Theo đó, phát hiện sự xâm nhập của các tế bào T có liên quan đến phản ứng viêm trong biểu mô khứu giác. Tình trạng viêm này vẫn tiếp tục mặc dù người bệnh không còn virus SARS-CoV-2 trong cơ thể.
Theo các chuyên gia, không phải bệnh nhân COVID-19 nào cũng trở lại cuộc sống bình thường sau khi điều trị khỏi. CDC Mỹ cho rằng, những người mắc COVID-19 nặng phải đối mặt với các tác động đa cơ quan hoặc tình trạng tự miễn dịch, với các triệu chứng kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm sau đó.
Các hiệu ứng đa cơ quan có thể liên quan đến phổi, tim, thận, não và thậm chí cả da. Do những ảnh hưởng này, những người từng mắc COVID-19 có thể có nhiều khả năng bị bệnh tiểu đường, tim, máu đông....
Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh, cũng cho rằng ở một số bệnh nhân, triệu trứng hậu COVID-19 có thể kéo dài hơn như liên quan đến vấn đề trí nhớ và sự tập trung; bị đau hoặc tức ngực; khó ngủ; trầm cảm và lo lắng; ho, nhức đầu, đau họng và thay đổi khứu giác hoặc vị giác.../.
Nguồn: Thiên Bình/vov.vn