Sự ra mắt bất ngờ của dòng điện thoại thông minh cao cấp mới nhất của “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei Technologies đã làm dấy lên một làn sóng tranh luận về khả năng hoạt động của nó.
Huawei đã bắt đầu bán trực tuyến chiếc Mate 60 Pro mới nhất với giá 6.999 nhân dân tệ (964 USD). Tuy nhiên, công ty đã không đưa ra nhiều thông tin hay bình luận về thiết bị mới, chỉ nói rằng đây là mẫu Mate mạnh mẽ nhất từ trước đến nay.
Đợt ra mắt này của Mate 60 Pro đã khiến người dùng mạng xã hội và truyền thông nhà nước Trung Quốc “sôi sục”, đặt mục tiêu sở hữu máy trong tay để xem xem bên trong đó thực sự có gì.
Lô điện thoại đầu tiên nhanh chóng được bán hết. Cửa hàng flagship của Huawei ở thành phố Thâm Quyến và trang web của hãng cho biết hàng mới sẽ về sớm nhất vào giữa tháng 9.
Bà Nicole Peng, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách mảng di động tại Canalys, cho biết điều quan trọng đối với Huawei là phải cung cấp thông tin rõ ràng về công nghệ của mình do mức độ quan tâm cao của thị trường.
Trên mạng xã hội, nhiều khách hàng đã đăng tải video phân tích và chia sẻ các bài kiểm tra hiệu suất cho thấy Mate 60 Pro có khả năng tải xuống thậm chí còn vượt qua tốc độ của một số dòng điện thoại 5G hàng đầu.
Theo nhà phân tích của TechInsights Dan Hutcheson, Huawei Mate 60 Pro rất có thể chứa bộ vi xử lý Kirin 9000s mới từ bộ phận chip HiSilicon của Huawei, dường như sử dụng công nghệ tiên tiến của SMIC. Nếu sử dụng quy trình 7+nm hoặc 5nm, việc sản xuất có thể sẽ là một quy trình rất tốn kém.
Tờ Global Times của Trung Quốc đã gọi đây là một chiến thắng của Huawei, lưu ý rằng chiếc điện thoại này ra mắt khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đang đến thăm và là bằng chứng cho thấy Mỹ đã thất bại trong cuộc đàn áp cực đoan đối với doanh nghiệp Trung Quốc. Nhưng những lời ca ngợi của Global Times lại chưa đưa ra dẫn chứng cụ thể.
Từ năm 2019, chính phủ Mỹ đã cắt quyền truy cập của Huawei vào các công cụ chip cần thiết để sản xuất những mẫu điện thoại tiên tiến nhất, khiến công ty chỉ có thể bán ra một số lượng hạn chế các mẫu điện thoại 5G sử dụng chip dự trữ.
Các rào cản quốc tế đã tàn phá hoạt động kinh doanh của công ty từng một thời cạnh tranh với Apple và Samsung để trở thành nhà sản xuất thiết bị cầm tay lớn nhất thế giới, với doanh thu từ sản phẩm điện tử đạt đỉnh 483 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020 trước khi lao dốc gần nửa năm sau đó.
Nhưng Huawei đã nhiều lần khẳng định rằng họ đang nỗ lực để ứng phó với các lệnh trừng phạt và có kế hoạch quay trở lại ngành công nghiệp điện thoại thông minh 5G vào cuối năm nay, sử dụng những tiến bộ của riêng mình trong các công cụ thiết kế chip cùng với việc hợp tác sản xuất với công ty bán dẫn Trung Quốc SMIC.
Nếu Huawei và Trung Quốc có khả năng sản xuất chip 5G của riêng họ, điều đó sẽ đánh dấu một bước tiến đáng kể về năng lực địa phương và là một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế sự trỗi dậy của ngành công nghệ Trung Quốc.