Các thống đốc NHTW tại eurozone mới đây đã nhất trí ngừng tăng lãi suất lần đầu tiên sau 15 tháng. Ngay cả những thành viên có quan điểm cứng rắn nhất của ECB cũng đồng tình với quyết định này, sau khi lạm phát tại eurozone giảm mạnh.
Yannis Stournaras, thống đốc NHTW Hy Lạp, người chủ trì cuộc họp tuần trước, chia sẻ: “Đó là cuộc thảo luận ‘yên bình’ nhất mà chúng tôi thực hiện trong nhiều tháng. Rõ ràng là chúng tôi đã thắt chặt chính sách ở mức vừa đủ.”
Không chỉ có ECB đưa ra hành động như vậy. Fed, NHTW Canada và NHTW Anh, cho đến CH Séc và New Zealand, cũng đều không điều chỉnh lãi suất sau các cuộc họp gần đây. Trong khi đó, các NHTW ở một số thị trường mới nổi như Brazil và Ba Lan thì hạ lãi suất.
Việc các NHTW lớn tạm dừng tăng lãi suất đã khiến giới đầu tư trái phiếu lạc quan rằng các nền kinh tế hàng đầu sắp chế ngự được lạm phát. Jari Stehn - nhà kinh tế trưởng châu Âu tại Goldman Sachs, cho biết “ngày càng nhiều người cho rằng vấn đề lạm phát đã được kiểm soát, và tôi cũng vậy.”
Tuy nhiên, sự hứng khởi đó chưa hoàn toàn là tín hiệu “đáng mừng”. Trong những ngày gần đây, Chủ tịch ECB Christine Lagarde, Chủ tịch Fed Jerome Powell và Andrew Bailey của BOE đều tiếp tục khẳng định rằng khả năng tăng lãi suất vẫn được cân nhắc, bất chấp giá tiêu dùng đang dần hạ nhiệt.
Điều này cho thấy quan chức của các NHTW không chắc chắn rằng xu hướng tích cực gần đây của các dự liệu kinh tế có thực sự là bước ngoặt mang tính thuyết phục hay không. Hơn nữa, trước đây, các NHTW từng đưa ra dự báo sai và bày tỏ mối lo ngại rằng các vấn đề địa chính trị có thể gây ra những cú sốc giá mới.
Joseph Gagnon, cựu nhân viên cấp cao của Fed và hiện đang làm việc tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết: “Khi tình hình căng thẳng, các NHTW sẽ nhanh chóng tăng lãi suất. Nhưng khi đã ‘hành động đủ’, họ không còn chắc chắn về bước đi tiếp theo.”
Theo FT, sự thận trọng này hợp lý khi các NHTW đã mắc sai lầm lớn ở thời điểm lạm phát tăng phi mã vào 2 năm trước. Đà hồi phục nhanh chóng của hoạt động chi tiêu tiêu dùng sau đại dịch, cùng tác động kéo dài của việc chuỗi cung ứng gián đoạn, các khoản kích thích của Mỹ và cú sốc giá năng lượng đã khiến lạm phát bùng lên ở các nền kinh tế lớn.
Sau đó, các nhà hoạch định chính sách tại Fed, ECB, BOE và các NHTW đã thực hiện đợt tăng lãi suất liên tiếp từ khoảng 2 năm trước. Chi phí đi vay ở châu Âu và Mỹ đã ở mức cao nhất kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính.
Ở Mỹ, đợt tăng lãi suất này đã giúp CPI giảm xuống 3,7%, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 10%. Tuy nhiên, Fed vẫn đang chứng kiến một nền kinh tế có sức tăng trưởng đáng ngạc nhiên, khi tăng 4,9% trong quý gần nhất.
Dù giá cả tăng cao và hoạt động tiết kiệm giảm sút, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn chưa chậm lại một cách đáng kể. Một phần là do thị trường lao động vẫn tăng nóng.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp tuần trước, ông Powell khẳng định rằng Fed vẫn chưa hoàn toàn dừng việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Song, ông không phát tín hiệu rằng có bất kỳ đợt thắt chặt nào sắp diễn ra hay không. Bởi vậy, nhà đầu tư lại suy đoán rằng bao lâu nữa Fed sẽ hạ lãi suất.
Giống Fed, ECB cũng chưa tuyên bố rằng họ đã chiến thắng lạm phát. Frederik Ducrozet, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại Pictet Wealth Management, cho hay: “ECB không muốn mắc sai lầm tương tự khi chủ quan trước tình hình lạm phát như cách đây 2 năm.”
Tuy nhiên, lãi suất ở châu Âu lại có thể đạt đỉnh sớm hơn ở Mỹ. Tăng trưởng kinh tế eurozone giảm 0,1% trong quý III, còn lạm phát tăng chưa đến 3% lần đầu tiên sau hơn 2 năm.
Isabel Schnabel, thành viên ECB, gần đây cảnh báo rằng “giai đoạn cuối cùng” của quá trình hạ nhiệt lạm phát sẽ “bất ổn, chậm chạp và gập ghềnh hơn” và có nguy cơ mất ổn định do “những cú sốc từ phía cung” như xung đột Israel - Hamas. Bà nói, ECB cũng chưa chắc sẽ ngừng tăng lãi suất.
Dẫu vây, thị trường không tập trung vào liệu các đợt tăng lãi suất tiếp theo có diễn ra hay không, mà ECB bao giờ sẽ hạ lãi suất. Các nhà kinh tế dự đoán, NHTW châu Âu sẽ chờ đợi dấu hiệu rõ ràng cho thấy lạm phát thực sự được kiềm chế. Những yếu tố này có thể xoay quanh số liệu về tăng trưởng tiền lương - vốn giúp giảm lạm phát lõi.
Nếu lạm phát ở eurozone duy trì ở mức dưới 3%, ông Yannis Stournaras cho rằng việc cắt giảm lãi suất có thể diễn ra vào “giữa năm tới”.
Tiffany Wilding, giám đốc điều hành của Pimco, nhận định xu hướng này là điều đáng mức ở cả Mỹ và châu Âu. Song, điều đó không có nghĩa là các NHTW đã thực sự ngừng chiến dịch thắt chặt chính sách.
Bà cho hay: “Điều mà các vẫn lo ngại một chút là khi các tác động của đại dịch đang dần biến mất, thì điều gì khác đang ảnh hưởng đến lạm phát?”
Với môi trường địa chính trị phức tạp hiện nay, rủi ro xảy ra những cú sốc nguồn cung mới và chuỗi cung ứng bị tác rời cũng ngày một lớn. Bởi vậy, việc đưa ra tuyên bố chiến thắng lạm phát một cách dứt khoát dường như là điều không tưởng.