Trước diễn biến tăng của giá xăng dầu thế giới, Bộ Tài chính đang tiếp tục cùng các Bộ ngành nghiên cứu đề xuất giảm mức thuế Bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn, xuống bằng mức sàn trong khung mức thuế này...
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã đề xuất và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc giảm 50% mức thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu diesel, dầu nhờn và giảm 70% mức thuế này đối với dầu hỏa, để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Tuy nhiên, trước diễn biến tăng của giá xăng dầu thế giới, Bộ Tài chính đang tiếp tục cùng các Bộ ngành nghiên cứu đề xuất giảm mức thuế Bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn, xuống bằng mức sàn trong khung mức thuế này, là 1.000 đồng/lít đối với xăng và 500 đồng/lít đối với dầu diesel, 300 đồng/lít đối với dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn và dầu hỏa.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết: "Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, từ mùng 1/4/2022, đang làm giảm giá xăng dầu từ 770 - 2.200 đồng/ lít tùy từng loại và giảm số thu ngân sách nhà nước khoảng 23.900 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, giá xăng dầu trên thế giới tiếp tục có những biến động và hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã xin ý kiến các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ tiếp tục báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giảm thuế bảo vệ môi trường xuống đến mức sàn trong thuế bảo vệ môi trường. Như vậy, trung bình mỗi một lít xăng dầu thì sẽ giảm từ 550 - 1.100 đồng tùy từng loại, và sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước của năm 2022 khoảng 7.000 tỷ đồng.
Theo nhận định của lãnh đạo Bộ Tài chính, việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước, nhưng cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, khi chúng ta kiểm soát được đại dịch, tổng thể thu ngân sách Nhà nước năm 2022, đến nay đã đạt hơn 60% so với dự toán được giao. Vì vậy trong cân đối chung, Ngân sách Nhà nước sẽ đảm bảo và bù đắp được các khoản giảm khi giảm thuế Bảo vệ môi trường.
Đối với đề xuất giảm “kịch sàn” thuế bảo vệ môi trường trong mặt hàng xăng dầu lần này, trước mắt Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giảm trong năm 2022. Đến cuối năm 2022, sẽ đánh giá lại tổng thể tình hình giá xăng dầu.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết: đề xuất giảm lần này đã “kịch sàn”, trường hợp giảm thuế Bảo vệ môi trường ngoài khung đã quy định, thì cần phải trình Quốc hội xem xét, quyết định. Còn đối với thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng trong mặt hàng xăng dầu, thẩm quyền và việc thực hiện điều chỉnh các sắc thuế này là của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay./.