Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 10/1 đã công bố Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu, trong đó hạ dự báo tăng trưởng thế giới năm nay xuống còn 1,7% - mức chậm nhất kể từ năm 1993. Do ảnh hưởng của lạm phát cao, lãi suất tăng, nhiều nền kinh tế sẽ có mức tăng trường gần bờ vực suy thoái, trong khi một số nền kinh tế lớn của thế giới cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Theo Chủ tịch WB David Malpass, lạm phát tăng tốc, các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách, điều kiện tài chính xuống cấp và cú sốc từ xung đột Nga – Ukraine đang gây sức ép lên tăng trưởng toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng chậm lại hầu hết đều xảy ra ở những nền kinh tế tiên tiến.
Bên trong tòa nhà trụ sở Ngân hàng Thế giới tại Washington D.C (Mỹ). (Ảnh: Reuters)
Cả 3 cỗ máy tăng trưởng lớn của thế giới – Mỹ, Eurozone và Trung Quốc đều đang trải qua thời kỳ yếu đi rõ rệt. Kinh tế Mỹ có thể chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm 2023, Trung Quốc sẽ là 4,3%. Các quốc gia sử dụng đồng euro có thể đối mặt với suy thoái kinh tế toàn cầu mới trong chưa đầy 3 năm sau đợt suy thoái gần đây nhất.
Về các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, WB cho rằng năm 2023 sẽ chồng chất khó khăn, khi những nước này phải chật vật đối phó với gánh nặng nợ công, đồng nội tệ suy yếu, đầu tư DN giảm. Với điều kiện kinh tế mong manh hiện nay, WB nhận định, bất kỳ tác động tiêu cực mới nào cũng có thể đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Ông Ayhan Kose, Giám đốc Nhóm Triển vọng Phát triển thuộc Ngân hàng Thế giới nhận định, do khả năng lạm phát vẫn tăng cao, có thể dẫn tới căng thẳng tài chính ở một số nền kinh tế đang phát triển, các thị trường mới nổi và điều này cũng là yếu tố gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
“Vẫn còn đó cuộc chiến lớn ở châu Âu. Căng thẳng địa chính trị có thể leo thang. Tình trạng mất an ninh lương thực và năng lượng cũng là một vấn đề, chưa kể, căng thẳng xã hội là một rủi ro lớn khác và tất nhiên về cơ bản chưa thể thể loại trừ khả năng bùng phát Covid-19 trở lại. Ngoài những điều này, kinh tế thế giới còn phải luôn lưu ý tới những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu, kết quả của tăng trưởng yếu - yếu hơn nhiều so với những gì đã dự đoán. Ngoài ra, cũng có nguy cơ lớn hơn về sự phân mảnh trong mạng lưới tài chính và đầu tư thương mại toàn cầu", ông Ayhan Kose phân tích.
WB cảnh báo rủi ro gián đoạn nguồn cung và lạm phát cơ bản tăng cao còn tiếp diễn trong thời gian tới. Điều này sẽ khiến các Ngân hàng Trung ương phản ứng bằng cách tăng lãi suất, làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái toàn cầu.
Kinh tế thế giới năm 2023 mặc dù được dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn, song theo nhận định của giới chuyên gia, đà suy yếu có thể không đủ để liệt vào suy thoái khi xét theo tiêu chí hẹp là 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp. Vì vậy, các nhà kinh tế vẫn lạc quan cho rằng, thế giới sẽ tránh được viễn cảnh suy thoái, một phần cũng tin tưởng vào việc Trung Quốc mở cửa trở lại có ý nghĩa then chốt đối với triển vọng kinh tế của châu Á và toàn cầu.
Ông Sebastian Eckardt, giám đốc phụ trách kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư của Ngân hàng Thế giới cho biết, tình trạng gián đoạn nguồn cung giảm bớt, nên hy vọng sự phục hồi của Trung Quốc cũng sẽ góp phần giảm bớt một số áp lực lạm phát đối với nền kinh tế toàn cầu. Đây sẽ là tin tốt cho tất cả mọi người vì sẽ làm giảm áp lực đối với việc tăng lãi suất thương mại, điều đó cũng được kỳ vọng góp phần giảm bớt nguy cơ suy thoái đang được dự đoán”, ông Ayhan Kose nhận định.
Khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 được dự báo sẽ giảm tốc đáng kể, những nỗ lực khẩn cấp quy mô quốc gia và toàn cầu được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro, dẫn tới bờ vực suy thoái. Trong khi đó, WB cũng vừa kêu gọi tăng cường hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế giúp các nước có thu nhập thấp đối phó với cuộc khủng hoảng, lương thực và năng lượng, hỗ trợ những người phải rời bỏ nhà cửa lánh nạn do xung đột và nguy cơ khủng hoảng nợ gia tăng./.
Nguồn: Phương Anh/vov.vn