Ảnh minh hoạ.
Dựa trên báo cáo giao dịch hàng ngày từ Sàn giao dịch Moscow, đồng NDT đã lần đầu vượt USD về khối lượng giao dịch hàng tháng từ tháng 2 năm nay và dần nới rộng khoảng cách hơn trong tháng 3.
Cụ thể, tháng 2/2023, tổng khối lượng giao dịch bằng NDT trên sàn Moscow là khoảng 1.490 tỷ USD, trong khi tổng khối lượng giao dịch bằng USD là 1.427 tỷ USD. Đến tháng 3, tổng lượng giao dịch bằng NDT lên tới 2.003 tỷ USD, trong khi lượng giao dịch bằng USD đạt 1.695 tỷ USD.
Điều này cho thấy vị thế gia tăng của đồng NDT trong hơn 1 năm qua, khi chiến sự tại Ukraine bắt đầu khiến khối lượng giao dịch bằng USD tại Nga giảm đi trông thấy. Trước cuộc chiến sự, khối lượng giao dịch của đồng NDT trên thị trường Nga là không đáng kể.
Việc chuyển đổi từ USD sang NDT được đẩy mạnh sau khi các biện pháp trừng phạt bổ sung trong năm nay ảnh hưởng đến một số ngân hàng ở Nga vẫn duy trì khả năng thực hiện chuyển khoản xuyên biên giới bằng USD và các loại tiền tệ khác của các quốc gia bị Điện Kremlin coi là “không thân thiện”.
Ví dụ như Raiffeisen Bank International AG, có chi nhánh ở Nga vẫn là một trong những kênh thanh toán quốc tế chính ở nước này, nằm trong số những người cho vay chịu áp lực ngày càng cao từ chính quyền châu Âu và Mỹ.
Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt sâu rộng nhắm vào hệ thống tài chính của Nga cũng buộc Điện Kremlin và các công ty Nga phải chuyển các giao dịch ngoại thương của họ từ đồng USD/EUR sang các loại tiền tệ của các quốc gia "thân thiện".
Trong khi đó, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã không ngừng phát triển trong hơn 1 năm nay. Tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm nước ngoài đầu tiên tới Mosocw sau khi tái đắc cử và hứa hẹn với Điện Kremlin sẽ mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, chuỗi cung ứng, siêu dự án, năng lượng và công nghệ cao.
Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi đồng NDT của Trung Quốc được sử dụng ngày càng nhiều tại Nga.
Đầu năm nay, Bộ Tài chính Nga đã chuyển đổi hoạt động thị trường của mình sang đồng NDT thay vì đồng USD, đồng thời phát triển một cấu trúc mới cho quỹ tài sản quốc gia để nắm giữ 60% tài sản bằng đồng NDT. Ngân hàng Nga thường xuyên kêu gọi các công ty và người dân chuyển tài sản của họ sang đồng ruble hoặc các loại tiền tệ “thân thiện” để tránh nguy cơ bị phong tỏa hoặc đóng băng.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, tính tới thời điểm hiện tại, đồng USD vẫn là đồng tiền phổ biến nhất trên thị trường Nga cho đến nay, hiếm khi thua đồng NDT về khối lượng trong bất kỳ ngày giao dịch nào.
Nguồn: Thủy Bình/vietnamfinance.vn