Tỷ giá và lãi suất liên tục đi lên
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 10/2022, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá, 2 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước.
Đáng lưu ý, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,34% do giá nguyên liệu sản xuất đồ uống và tỷ giá USD tăng cao. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,2% do giá nguyên phụ liệu sản xuất, chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm tăng.
Thời gian qua, giá nhiều loại hàng hóa là nguyên liệu đầu vào liên tục tăng, có loại tăng tới 50%. Ở Việt Nam, gần 1 nửa nguyên liệu đầu vào cho sản xuất là nhập khẩu. Vì vậy, không chỉ tăng theo giá thế giới mà việc tỷ giá tăng mạnh đã tác động đến chi phí đầu vào sản xuất.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá USD/VND từ ±3% lên ±5% và 4 lần liên tiếp điều chỉnh giá bán, tỷ giá trung tâm giữa USD và VND cũng như tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đều biến động mạnh.
Giá USD trong nước hiện tăng tới gần 10% trong khi các năm trước chỉ tăng 2-3%. Với diễn biến tỷ giá USD/VND tăng nhanh, nhất là ‘cú sốc’ tháng 10 vừa qua là biến động khiến các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu không thể lường. Tác động của diễn biến này rất lớn, bởi USD là đồng tiền thanh toán chính cho phần lớn các hợp đồng xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Về lý thuyết, tỷ giá tăng sẽ có lợi cho xuất khẩu. Nhưng thực tế, đa phần doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Việt Nam đang chịu ảnh hưởng tiêu cực vì tỷ giá tăng.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có nhà máy ở Hoà Bình, Bình Định cho biết, công ty thường phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất. Thời gian qua, giá nguyên liệu trên thế giới và tỷ giá tăng khiến chi phí sản xuất ngày càng đắt đỏ trong khi giá thành không tăng tương xứng. Về lâu dài, việc giữ giá sản phẩm là không thể.
Các doanh nghiệp ngành gỗ lẽ ra sẽ được hưởng lợi từ việc tăng giá USD khi bán được giá cao vào mùa xuất hàng tốt. Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đang ở thế kẹt do USD tăng giá cao, nguyên liệu nhập khẩu tăng giá mạnh trong khi giá bán không thể tăng do đã ký hợp đồng trước đó.
Với các doanh nghiệp dệt may. Giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng mạnh khiến phần lãi chênh lệch từ tỷ giá không đáng kể.
Giám đốc công ty may lớn ở Long Biên - Hà Nội cho biết, ngoài chi phí tăng do tỷ giá, lạm phát tăng khiến người dân các quốc gia nhập khẩu thắt chặt chi tiêu, nhu cầu giảm. Vì thế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu có lượng đơn hàng ít đi và còn bị “ép” giá. Trong khi đó, nhiều đối thủ của Việt Nam phá giá đồng tiền mạnh hơn khiến hàng Việt mất lợi thế cạnh tranh.
Trong vòng hơn 1 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành và lập tức gây ra làm sóng tăng lãi suất thương mại, tạo nên sức ép lên chi phí của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi suất cho vay tới 11-12%/năm, cao hơn hẳn mức lãi suất 8-9%/năm được áp dụng trước đó.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất nhập khẩu thiết bị thi công phân tích, một doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu thì không chỉ phải chịu lãi suất cho vay tăng thêm từ 2-3% mà còn phải cộng với mức biến động trên 5% của tỷ giá, khiến chi phí kinh doanh tăng tới 10%. Chưa kể, tỷ giá và lãi suất cũng khiến các chi phí liên quan đến vận tải, logistics và nguyên liệu cũng sẽ bị đẩy lên.
Và hệ quả tất yếu là giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí sản xuất của doanh nghiệp đội lên sẽ khiến giá bán của sản phẩm tăng lên.
Với tình thế hiện nay, các doanh nghiệp ở thế lưỡng nan bởi nếu tăng giá sản phẩm, doanh nghiệp sẽ mất khách; còn giữ nguyên giá thì gần như không có lợi nhuận thậm chí thua lỗ và bị siết nợ.
Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank nhận định việc mở rộng biên độ tỷ giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp vay nợ ngoại tệ lớn như ngành thép, hàng không, điện... Cụ thể, ngành hàng không chịu nhiều tác động tiêu cực nhất do thuê máy bay chiếm phần lớn chi phí và phải trả bằng USD. Các doanh nghiệp ngành thép cũng chịu ảnh hưởng gặp bất lợi do nguyên liệu được nhập tính bằng USD, một số khoản nợ cũng bằng USD...
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho hay, lợi nhuận của các doanh nghiệp vay nợ bằng đồng USD đang bị ảnh hưởng trong bối cảnh lãi vay tăng lên đáng kể.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cho hay, tỷ giá VND/USD tăng làm chi phí nhập khẩu nguyên liệu như thép cán nóng, kẽm thỏi… của các doanh nghiệp tôn mạ cũng tăng theo, đồng thời làm tăng chi phí chênh lệch tỷ giá với các khoản vay bằng USD.
Tương tự, trong quý III/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ghi nhận mức lỗ kỷ lục 1.786 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân khiến HPG rơi vào thua lỗ là do chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát làm lãi suất tăng mạnh, tỷ giá USD leo cao, làm tăng chi phí tài chính.
Giám đốc một chuỗi hải sản lớn cho biết, các hợp đồng nhập khẩu của công ty ông chủ yếu được thanh toán bằng USD. Khi tỷ giá USD/VND thay đổi sẽ tác động ngay đến kết quả kinh doanh. Ước tính, mỗi tháng công ty ông phải mất thêm vài tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá.
Để ứng phó, nhiều doanh nghiệp đang phải chủ động cắt giảm lợi nhuận để không tăng giá sản phẩm. Nhưng theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Thống kê, đây là phương án “cực chẳng đã”. Bên cạnh việc chấp nhận không tăng giá đầu ra thì các doanh nghiệp sản xuất cần phải đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, không phụ thuộc vào một thị trường cố định nào.
Còn TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết, trong bối cảnh thị trường hàng hóa và ngoại hối còn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần chú ý để đảm bảo ổn định dòng tiền thanh toán, chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán, để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi.
Một số chuyên gia cho rằng, để hạn chế những tác động từ tỷ giá và lãi suất lên chi phí sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần quyết liệt tái cấu trúc, đa dạng hóa nguồn vốn, quan tâm hơn đến quản lý rủi ro, nhất là rủi ro tài chính, lãi suất và tỷ giá. Các doanh nghiệp nên đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, bằng cách sử dụng các ngoại tệ khác nhau, tránh phụ thuộc quá nhiều vào đồng USD để giảm áp lực lên tỷ giá. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần lập quỹ dự phòng biến động tỷ giá, hạn chế việc vay bằng ngoại tệ khi không có đủ nguồn trả.
Nguồn: Mai Anh/vietnamfinance.vn