"Chúng tôi đang dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường chứng khoán trong nước"
Thông điệp của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở trong nhịp điều chỉnh mạnh, giảm gần 19% kể từ đỉnh từ đầu tháng 4.
Trao đổi với truyền thông, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, thị trường chứng khoán trong nước đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, trước tác động tổng hòa từ yếu tố tâm lý trong nước và đặc biệt là các rủi ro từ thị trường quốc tế như: FED tăng lãi suất mạnh, căng thẳng địa chính trị chưa được giải quyết, áp lực lạm phát, giá cả đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là giá năng lượng,...
Lãnh đạo UBCKNN cho rằng, mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được kỳ vọng rất lớn sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và các năm tiếp theo, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có thể còn có sự biến động mạnh, cơ quan quản lý đang đặc biệt ưu tiên các giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư.
"UBCKNN, các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cũng đã họp với nhiều thành viên thị trường, công ty chứng khoán để đánh giá tình hình hiện tại của thị trường, cũng như bàn thảo các giải pháp cả ngắn, trung hạn để thị trường vượt qua khó khăn, ổn định trở lại. Trong năm nay sẽ có những thay đổi theo chiều hướng tích cự, kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường tăng thanh khoản, cũng như minh bạch thông tin trên thị trường", vị đại diện này nói.
Đại diện UBCKNN nói rằng: "Chúng tôi đang dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường chứng khoán trong nước. Đồng thời, tích cực thông tin tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường lòng tin của các chủ thể tham gia thị trường, công chúng đầu tư trong và ngoài nước vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển thị trường chứng khoán minh bạch, công khai, an toàn, hiệu quả".
Đối với các giải pháp trung và dài hạn, lãnh đạo UBCKNN cho biết, cơ quan quản lý đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán, hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 để định hình rõ mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển thị trường chứng khoán về dài hạn. Song song với đó, rà soát, đánh giá tổng kết để kiến nghị những nội dung còn bất cập trong khuôn khổ pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán (kể cả Luật Chứng khoán và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành), nhất là các quy định về minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của bên tham gia, các chế tài xử phạt vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán để bảo vệ nhà đầu tư, từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của thị trường chứng khoán.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có thêm những giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng cung cấp dịch vụ, năng lực tài chính, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, đặc biệt là các công ty chứng khoán, công ty kiểm toán độc lập, công ty quản lý quỹ, hoạt động của hệ thống công ty định giá tài sản, định mức tín nhiệm, kế toán, kiểm toán. Quản lý, giám sát chặt chẽ, đồng thời tạo điều kiện, phát huy vai trò của các tổ chức này để cung cấp dịch vụ minh bạch, an toàn, hiệu quả cho cả tổ chức phát hành và nhà đầu tư", lãnh đạo UBCKNN nói.
Đối với dòng vốn ngoại, bên cạnh các giải pháp để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, UBCKNN cũng đang đẩy nhanh các giải pháp để rút ngắn tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi. "Mặc dù, việc nâng hạng sẽ phụ thuộc rất lớn vào các tổ chức xếp hạng thị trường, tuy nhiên, UBCKNN đang phối hợp với các cơ quan liên quan để thống nhất giải pháp, vạch lộ trình rõ ràng hơn, phấn đấu cao nhất để kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng sớm nhất, đạt mục tiêu Chính phủ đã đề ra" – lãnh đạo UBCKNN nói.
Ngoài ra, sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo nhà đầu tư, để gia tăng nền tảng kiến thức tài chính, chứng khoán, hỗ trợ nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán an toàn và chuyên nghiệp hơn.
Trong tương lai thị trường chứng khoán sẽ hoàn thiện hơn, chất lượng hơn
Trước đó, lãnh đạo Bộ Tài chính trong nhiều lần phát biểu trước công chúng cũng khẳng định việc điều chỉnh chỉ mang tính ngắn hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nguyên các yếu tố hỗ trợ tích cực mang tính nền tảng từ kinh tế vĩ mô và nội tại thị trường. Vì vậy, trong tương lai, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển ngày càng hoàn thiện hơn, chất lượng hơn, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn chủ yếu, quan trọng của nền kinh tế, doanh nghiệp; đồng thời là kênh đầu tư hấp dẫn, an toàn, hiệu quả.
Đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam từ nay đến hết năm 2022, nhiều chuyên gia đều cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng khi nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì. Dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt hơn, các yếu tố nền tảng vĩ mô vẫn vững, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế dần được mở cửa trở lại. Đây là những yếu tố rất quan trọng để tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt mức 6,5 – 7% - đây là con số khá ấn tượng trong mặt bằng chung toàn cầu nếu Việt Nam đạt được.
Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc. Trong quý I/2022, 86% số công ty niêm yết và đại chúng quy mô lớn đăng ký giao dịch đã công bố báo cáo có lãi, cao hơn so với mức 83% của cùng kỳ năm 2021. Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trong quý I/2022 cũng tăng 33,7% so với cùng kỳ 2021. Qua thông tin sơ bộ công bố tại mùa đại hội cổ đông 2022 đang diễn ra, phần lớn các doanh nghiệp niêm yết đều đặt chỉ tiêu tăng trưởng tích cực về doanh thu và lợi nhuận cho cả năm 2022.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất có khả năng vẫn duy trì ổn định ở mức thấp để hỗ trợ kinh tế phục hồi, do vậy, dòng tiền có khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào thị trường chứng khoán. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục gia tăng trong thời gian qua (chỉ tính riêng trong tháng 4/2022, đã có 231.275 tài khoản chứng khoán mở mới, đưa tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán lên hơn 5,2 triệu tài khoản) và hiện mới chiếm khoảng 5% dân số cũng cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước.
Ngoài ra, trong một báo cáo vừa mới phát hành, Dragon Capital cho rằng, giá cổ phiếu giảm kết hợp với tăng trưởng lợi nhuận đưa định giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên rất hấp dẫn. Chỉ tính tới cuối tháng 4, chỉ số P/E trượt giảm về 14,5 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm. Trong 5 năm vừa qua, chỉ số P/E của thị trường chỉ 2 lần tiếp cận ngưỡng này. Lần đầu tiên là đáy của đợt giảm năm 2018 và lần thứ 2 là trong giai đoạn khủng hoảng do Covid-19 năm 2020. So sánh với các thị trường trong khu vực, mức định giá hấp dẫn hiện tại của thị trường Việt Nam càng trở nên nổi bật. "Tuy vẫn còn những ẩn số trong ngắn hạn, tại mức định giá này, tiềm năng lợi nhuận dành cho các nhà đầu tư dài hạn là rất rõ ràng", Dragon Capital nhấn mạnh.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 20 năm phát triển và thực tế cũng đã cho thấy nhiều lần điều chỉnh mạnh, nhưng rõ ràng xu hướng là ngày càng phát triển mạnh và bền vững hơn. Bên cạnh quy luật cung – cầu, niềm tin là yếu tố rất quan trọng để thị trường chứng khoán vượt qua được những giai đoạn khó khăn ngắn hạn. Một thực tế cũng không thể phủ nhận, trong mỗi đợt điều chỉnh luôn xuất hiện nhưng cơ hội đầu tư giá trị rất lớn. Xét trong tương quan định giá với các thị trường khu vực, thế giới, kết hợp với các yếu tố nền tảng rất tích cực từ vĩ mô và thị trường, rõ ràng thị trường chứng khoán Việt Nam đang xuất hiện những cơ hội đầu tư rất hấp dẫn cho trung và dài hạn.