Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh (HUBA), tính đến cuối tháng 3/2023, đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp thuộc hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề tại TP.Hồ Chí Minh đều sụt giảm mạnh.
Cụ thể, ngành dệt may kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 8% so với cùng kỳ, nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất nên nhu cầu vay vốn không còn lớn. Với ngành cơ khí đơn hàng nội địa xuất khẩu tại chỗ giảm 30-40%, thậm chí nhiều doanh nghiệp giảm tới 50% và bị cạnh tranh khốc liệt bởi nhóm doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, các nhóm ngành mỹ nghệ, chế biến gỗ và vật liệu xây dựng, lượng đơn hàng cũng đang sụt giảm nghiêm trọng. Xuất khẩu đồ gỗ hiện đang giảm khoảng 15%, nhiều doanh nghiệp giảm đến 45%. Tương tự, có khoảng 40% doanh nghiệp vật liệu xây dựng đang phải ngưng hoạt động vì không có đơn hàng.
Trên phạm vi cả nước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu quý I/2023 đạt khoảng 79,17 tỷ USD, giảm khoảng gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý là xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp nội địa giảm mạnh hơn so với khối doanh nghiệp nước ngoài (giảm trung bình 17,4%).
Theo khảo sát của HUBA, 41,2% doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh được hỏi cho biết trong những tháng đầu năm nay thị trường trong nước và xuất khẩu đều bị thu hẹp; 17,6% doanh nghiệp có kết quả kinh doanh sụt giảm do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao... Điều này cho thấy nút thắt về thị trường và đơn hàng xuất khẩu đang là nguyên nhân chính khiến hàng nghìn doanh nghiệp rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng. Đó là nguyên nhân khiến cầu tín dụng giảm.
Hiện nay, nhiều NHTM đã tung ra các gói vay giá trị lớn để tài trợ nguồn vốn lưu động cho sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Chẳng hạn, VietinBank đã áp dụng gói vay 100.000 tỷ đồng, lãi suất từ 7,1%/năm cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa với thời gian vay tối đa 12 tháng. Agribank cũng triển khai gói vay 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD với mục tiêu tương tự là tài trợ vốn cho các doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động và hỗ trợ hoạt động xuất khẩu. Các ngân hàng khác như VIB, ACB, HDBank, NamABank… hiện cũng đã bổ sung các gói vay ngắn hạn, tài trợ vốn xoay vòng cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc khối doanh nghiệp HDBank cho biết, ngân hàng này đang mở rộng nhiều sản phẩm tín dụng ít phụ thuộc vào tài sản thế chấp là bất động sản. Thay vào đó là các sản phẩm tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, hợp tác ba bên (ngân hàng - doanh nghiệp đầu mối - doanh nghiệp nằm trong chuỗi sản xuất cung ứng hàng hóa, công nghiệp phụ trợ). Tuy nhiên, do nhiều doanh nghiệp đang khó khăn về thị trường nên việc giải ngân các khoản vay cũng gặp khó và tăng trưởng chậm.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA cho rằng, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều bị chôn vốn trong hàng hóa tồn đọng. Khó khăn chồng chất khó khăn, theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai, hiện nay nhiều doanh nghiệp ngành gỗ, ngành cao su gặp khó khăn về tài chính. Có doanh nghiệp số tiền thuế giá trị gia tăng (VAT) chưa được hoàn lên đến 50-60 tỷ đồng. Trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, việc bị chôn vốn do chậm hoàn thuế cũng khiến tắc nghẽn dòng vốn quay vòng. Vì thế ngành thuế cần đẩy nhanh thủ tục hoàn thuế để gỡ khó cho doanh nghiệp.
“Phải tháo được dòng tiền tồn đọng trong hàng hóa, tiền thuế tạm nộp thì mới giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính cho doanh nghiệp để họ tìm cơ hội mới phục hồi sản xuất kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa. Khi đó mới tính đến chuyện vay vốn tín dụng”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai nói.
Ở lĩnh vực ngân hàng, ông Phạm Quốc Bảo, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho rằng, ngành Ngân hàng luôn định hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Riêng tại Đồng Nai, trong những tháng đầu năm nay vốn tín dụng cho vay xuất nhập khẩu đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Song, bản thân các doanh nghiệp, ngành nghề cũng cần chủ động sáng tạo trong việc tìm kiếm phương án kinh doanh, phát triển thị trường mới mới tăng cơ hội tiếp cận vốn từ các gói tín dụng ưu đãi mà nhiều ngân hàng đang triển khai.