Ngày 31-5 vừa qua, CTCP Công nghệ và Dịch vụ Moca (Moca), thông báo ngừng mở mới và ngừng cung cấp dịch vụ VĐT Moca từ ngày 1-7. Lý do được doanh nghiệp này đưa ra là cần có những đánh giá cẩn trọng và đưa ra quyết định thực hiện chiến lược tái cấu trúc, nhằm hướng đến tăng trưởng bền vững.
Theo giới thiệu trên website, Moca được thành lập bởi một nhóm cựu nhân sự cao cấp của Microsoft, Google và các chuyên gia hàng đầu trong ngành tài chính, ngân hàng (NH). Các chuyên gia này đã xây dựng ứng dụng trên di động giúp người dùng thanh toán trực tuyến hoặc trực tiếp an toàn và thuận lợi với thẻ ATM, thẻ Visa/Mastercard/JCB.
Tuy nhiên, Moca được biết đến nhiều qua thương vụ liên kết với Grab để triển khai hình thức thanh toán GrabPay by Moca từ năm 2018. Khi đó, Grab đóng ứng dụng GrabPay do quy định không cho phép nạp tiền trực tiếp từ thẻ tín dụng vào VĐT. Nhưng trong đà phát triển, Grab không chỉ hợp tác với Moca mà còn mở rộng hơn. Cụ thể năm 2023, Grab lần lượt bắt tay với VĐT “quốc dân” Zalo Pay, tiếp đó là hợp tác với một VĐT khác có hơn 31 triệu người dùng là MoMo. Moca bị mất đi vị thế phương thức thanh toán không tiền mặt độc quyền trên ứng dụng Grab.
Việc Moca dừng hoạt động tuy bất ngờ, nhưng cho thấy việc bị đào thải sẽ khó tránh khi cuộc cạnh tranh mở VĐT ngày càng khốc liệt. Thị trường hiện có khoảng 45 VĐT được cấp phép, số lượng VĐT đang hoạt động tính đến cuối năm 2023 là 36,23 triệu (chiếm 63,23% trong tổng số gần 57,31 triệu VĐT đã được kích hoạt).
Số lượng giao dịch và giá trị giao dịch qua VĐT liên tục đạt mức tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2018-2023, lần lượt là 80,4% và 83,5%. Tuy nhiên, thị phần chủ yếu nằm trong tay một vài “gã khổng lồ” như Momo, Zalo Pay, Viettelpay, ShopeePay, VNPay.
Không chỉ vậy, các NH gần đây đã vào cuộc mạnh mẽ trong việc thanh toán không dùng tiền mặt, mở ra một “rừng” Mobile Banking và một loạt NH số, NH thế hệ mới như Cake của VPBank, LioBank của OCB, Digimi của BVBank. Hay NAPAS và các NH hợp tác ra mắt thương hiệu VietQR và dịch vụ chuyển tiền nhanh Napas247 bằng mã QR, khiến việc quét QR của VĐT bị cạnh tranh.
Bên cạnh đó, việc mở rộng dịch vụ cũng có những khó khăn nhất định. Nhiều VĐT cho thấy tham vọng lĩnh vực cho vay trực tuyến, nhưng theo quy định, các tổ chức phi NH không được trực tiếp cho vay. Muốn triển khai, các đơn vị trung gian thanh toán phải thỏa thuận hợp tác với NH hoặc công ty tài chính, nói cách khác phải có lệ thuộc nếu muốn cho vay tiêu dùng trên nền tảng của họ.
Trong bối cảnh có nhiều sự lựa chọn, các VĐT vừa cạnh tranh với chính họ, vừa cạnh tranh với các đối thủ lớn khác nên tốn rất nhiều công sức để giữ và mở rộng thị phần. Trước đây, nhiều VĐT tiết lộ sẽ triển khai thu phí sau khi tạo được thói quen cho người dùng. Nói cách khác, họ kỳ vọng người dùng sẽ lệ thuộc vào ứng dụng VĐT của họ, sẵn sàng trả phí chứ không rời đi.
Khi nói về VĐT, giới chuyên gia vẫn nhận định đây là một cuộc chơi “đốt tiền” để nắm bắt và giữ chân khách hàng. Đơn cử để có thị phần lớn nhất thị trường, MoMo đã không ngừng xây dựng các tính năng chính vượt trội, mở rộng mạng lưới, phát triển 200 dịch vụ trên nhiều lĩnh vực như tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, giải trí, thương mại điện tử, ăn uống, hướng tới mục tiêu trở thành siêu ứng dụng.
Shopee Pay gắn liền với ứng dụng thương mại điện tử Shopee và có nhiều chương trình khuyến mại để được người tiêu dùng quan tâm. Hay để thâu tóm thị phần, Zalo Pay đã đưa ra vô số khuyến mại hấp dẫn để kéo khách.
Đó là những hoạt động cần rất nhiều tiền. Theo Fiingroup, lý do chính khiến nhiều người dùng ưa thích thanh toán bằng VĐT là các khoản giảm giá và phiếu thưởng hấp dẫn mà họ nhận được. Điều này đòi hỏi các nỗ lực quảng bá liên tục của VĐT và cổng thanh toán, dẫn đến gánh nặng chi phí rất lớn cho các công ty này. Do đó, những công ty hàng đầu với cơ sở hàng triệu người dùng như Momo hay ShopeePay tiếp tục chịu lỗ lớn, bất chấp doanh thu thuần tăng trưởng liên tục.
Lấy dẫn chứng từ Momo, năm 2020, doanh thu của thương hiệu đạt hơn 6.000 tỷ đồng. Con số này tăng 19,5% vào năm 2021 sau đó tăng thêm 15,9% vào năm 2022, đạt hơn 8.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức âm và tiếp tục tăng lỗ trong năm 2022. Năm 2020 và 2021, lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm khoảng 880 tỷ đồng. Con số này tăng 30% vào năm 2022, với mức âm gần 1.150 tỷ đồng.
Tương tự, doanh thu của Zalo Pay đạt hơn 550 tỷ đồng năm 2022. Con số này tăng 102,7% so với năm 2021 và tăng 296,8% so với năm 2020. Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế năm 2020 âm gần 680 tỷ đồng và năm 2022 âm hơn 1.300 tỷ đồng. Được biết, một số VĐT trong hoàn cảnh bị siết chặt bởi nhiều quy định, nhưng vẫn cố cầm cự để chờ tham vọng với đà phát triển nhanh mạnh của công nghệ tài chính, họ sẽ có cơ hội “thay da đổi thịt” thành một NH số.
Song Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, chỉ đề cập đến hoạt động NH điện tử (số hóa NH truyền thống), mà chưa đề cập đến hoạt động của NH số như một khái niệm rộng hơn khái niệm NH điện tử. Do đó cũng chưa quy định những nội dung điều chỉnh mô hình NH số.
Từ thực tế trên cho thấy, con đường đến NH số của VĐT còn xa. Từ các năm trước, các chuyên gia đã khuyến nghị và đến nay vẫn còn giá trị tham khảo. Cụ thể là với sự cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay của các VĐT trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, các VĐT vẫn khó có thể tăng phí giao dịch thanh toán cùng lúc với việc mở rộng quy mô người dùng.
Ở thời điểm hiện tại, một dự báo khác cho rằng, tương lai tới đây giữa sự cạnh tranh khốc liệt sẽ khiến số lượng VĐT tồn tại chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Con đường đến NH số của VĐT còn xa. Ở thời điểm hiện tại, một dự báo khác cho rằng, tương lai tới đây giữa sự cạnh tranh khốc liệt sẽ khiến số lượng VĐT tồn tại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. |