Mỹ và G7 quyết tâm lấp đầy ‘kẽ hở’ giúp Nga lách lệnh trừng phạt.
Các nhà lãnh đạo thế giới đã có mặt tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 từ ngày 19-21/5. Theo hãng tin Reuters, trong khuôn khổ của hội nghị, Mỹ và các nước thành viên nhóm G7 sẽ thảo luận về các biện pháp nhằm ngăn chặn các quốc gia hiện đang giúp đỡ Nga đối phó với các lệnh cấm vận và cắt đứt các kênh thương mại mà Moscow có thể sử dụng.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho hay Washington đề xuất cách tiếp cận mới nhằm hạn chế xuất khẩu sang Nga. Từ nguyên tắc“mọi thứ đều được phép ngoại trừ những gì bị cấm đoán” chuyển sang nguyên tắc "cấm xuất khẩu tất cả các mặt hàng sang Nga, trừ khi chúng được miễn trừ”.
“Chúng tôi cam kết tiếp tục siết chặt những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Nga như năm ngoái. Gói trừng phạt mới nhất của Mỹ sẽ bao gồm "hạn chế rộng rãi các loại hàng hóa quan trọng trên chiến trường" cũng như ngăn khoảng 70 thực thể từ Nga và một số quốc gia khác nhận được hàng xuất khẩu của chúng tôi, bằng cách liệt những thực thể đó vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ”, quan chức này cho hay.
Bên cạnh đó, Mỹ được cho là sẽ công bố khoảng 300 lệnh trừng phạt mới áp lên các cá nhân, tổ chức, tàu thuyền và máy bay trên khắp châu Âu, Trung Đông và châu Á, như những hình phạt nhằm vào các đường dây giúp Nga né tránh lệnh trừng phạt.
Theo vị quan chức này, các thành viên khác trong nhóm G7 sẽ tiếp tục siết chặt quyền tiếp cận của Nga đối với hệ thống tài chính quốc tế, cũng như đưa ra cam kết giữ tài sản bị đóng băng ở nước ngoài của Moscow cho đến khi cuộc xung đột Ukraine chấm dứt.
Quan chức Mỹ cho biết Washington sẽ thực hiện các bước quan trọng, có sự liên kết chặt chẽ với EU và Anh nhằm đảm bảo G7 vẫn phối hợp tốt nhất có thể trong việc trừng phạt Moscow.
Trước đó, Bloomberg dẫn lời một nguồn tin ngoại giao cấp cao của EU cho hay Nga nhìn chung đã thành công trong việc tránh luật trừng phạt của EU và kim ngạch nhập khẩu của nước này phần lớn đã trở lại "mức trước xung đột" năm 2020.
Theo nguồn tin của Bloomberg, bất chấp những hạn chế xuất khẩu của EU đối với "hàng trăm hàng hóa và công nghệ", Nga vẫn nhận được hầu hết hàng hóa mà mình cần.
Phân tích của Cơ quan giám sát Thụy Sỹ Trade Data Monitor cũng cho thấy dù đang bị trừng phạt, Nga dường như đã có giải pháp thay thế hầu hết các sản phẩm mà họ cần, kể cả những sản phẩm công nghệ cao.
Nguồn: Minh Đăng/vietnamfinance.vn