Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2022. Bên cạnh tăng trưởng GDP quý I tăng 5,03%, cao vượt trội so với cùng giai đoạn của năm 2021 và 2020, dữ liệu về tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm 21/3/2022 của toàn bộ nền kinh tế đạt 4,03%, cao hơn nhiều so với mức tăng cùng thời điểm năm ngoái là 1,47%.
“Việc NHNN tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành đã tạo điều kiện để các TCTD tiếp tục giảm lãi vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi”, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết.
Đóng góp vào kết quả trên, lãi suất được điều hành phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu của chính sách tiền tệ. NHNN Việt Nam tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, duy trì nguồn vốn chi phí thấp để các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay; giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cũng góp phần quan trọng là sự cân đối lãi suất đầu vào. Lãi suất tiền gửi bình quân bằng đồng Việt Nam của NHTM trong nước hiện ở quanh mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3-3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6-12 tháng; 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng; và 6,1-6,9% đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Tính từ đầu năm đến thời điểm 21/3/2022, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 2,15% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 0,54%).
Cùng với nỗ lực hạ lãi suất, nhờ sức cầu vốn tăng, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng khá tốt. Trong những tháng đầu năm nay, mặt bằng lãi suất có biến động do nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng nhưng mức điều chỉnh không quá lớn.
Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm; vay sản xuất, kinh doanh thông thường từ 7-10,5%/năm với ngắn hạn, 8,5-12,7%/năm với trung và dài hạn; cho vay tiêu dùng 7-11,5%/năm với ngắn hạn và 8,5-13%/năm với trung và dài hạn.
Theo Tổng cục Thống kê đánh giá, nhìn chung, hoạt động thanh toán trong nền kinh tế diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt; khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện, thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh. Kinh tế dần hồi phục, “sức khỏe” doanh nghiệp đang được cải thiện giúp dòng vốn được lưu thông hiệu quả.
Theo các chuyên gia kinh tế, sức bật của nền kinh tế Việt Nam được đánh giá cao, cầu tiêu dùng đang hồi phục tương đối tốt tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dự báo thời gian tới, nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp tiếp tục tăng cao.
Năm 2022, NHNN nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng nhiều lần khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện tối đa hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế; đồng thời bám sát vào chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.
NHNN sẽ tiếp tục tập trung vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 và hướng dòng tiền vào các lĩnh vực ưu tiên tập trung theo chỉ đạo của Chính phủ.