Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới công bố, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, chu kỳ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sắp dừng lại và điều này sẽ giúp áp lực chính sách tiền tệ của Việt Nam được giảm bớt.
Đúng như thị trường kỳ vọng, Fed đã thông báo tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp tại cuộc họp gần nhất, nâng lãi suất điều hành thêm 0,25 điểm % lên phạm vi mục tiêu là 5-5,25%.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, Fed không còn đề cập đến việc “Ủy ban dự đoán rằng một số chính sách bổ sung là cần thiết” để đạt được mục tiêu lạm phát 2% như trong cuộc họp hồi tháng 3. Điều này tăng hi vọng về khả năng Fed có thể sớm dừng tăng lãi suất điều hành.
Nhờ áp lực tỷ giá giảm, NHNN đã tăng dự trữ ngoại hối thêm khoảng 6 tỷ USD kể từ đầu năm 2023. Theo đó, NHNN đã bơm khoảng 140.000 tỷ đồng ra nền kinh tế để mua USD, qua đó hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và hạ lãi suất trong nước.
Áp lực tỷ giá giảm đáng kể giúp NHNN mua được lượng lớn dự trữ ngoại hối, giúp thanh khoản hệ thống dồi dào.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào ngày 5/5, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, từ đầu năm tới nay, NHNN đã mua khoảng 6 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc NHNN đưa tiền ra nền kinh tế cùng với các kênh khác của chính sách tiền tệ.
Với giá chào mua 23.450 đồng/USD được duy trì suốt từ đầu năm đến nay, ước tính khoảng 140.000 tỷ đồng đã được nhà quản lý tiền tệ bơm đối ứng vào hệ thống ngân hàng thông qua kênh mua ngoại tệ.
Diễn biến này trái ngược với năm ngoái khi trong 10 tháng đầu năm 2022, NHNN phải bán một lượng lớn ngoại tệ (ước khoảng 20% dự trữ ngoại hối) để ổn định tỷ giá. Điều này đã khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm xuống dưới mức khuyến nghị của IMF (thấp hơn 3 tháng nhập khẩu).
Từ giữa tháng 12/2022, NHNN đã phát tín hiệu quay trở lại hoạt động mua ngoại tệ khi giá đồng USD hạ nhiệt trên thị trường quốc tế giúp giảm áp lực lên tỷ giá.
Cùng với đó, trong tháng 3/2023, NHNN đã có hai đợt giảm lãi suất điều hành, đánh dấu sự đảo chiều về chính sách tiền tệ trong nước.
Bên cạnh việc giảm lãi suất, NHNN tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, vào ngày 23/4/2023, NHNN ban hành Thông tư 02/2023 cho phép các tổ chức tín dụng rà soát, cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc/lãi hoặc giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.
Bên cạnh đó, NHNN cũng công bố Thông tư 03/0223 cho phép hoãn thực hiện Điều 11 Khoản 4 Thông tư 16/2021. Đồng nghĩa với việc các ngân hàng vẫn có thể mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết đã bán trước đó với một số điều kiện.
Ngoài ra, NHNN đang nghiên cứu dự thảo sửa đổi Thông tư 41/2016 để hướng tới việc giảm hệ số rủi ro tín dụng cho các dự án bất động sản khu công nghiệp và các khoản vay cho nhóm nhà ở xã hội nói chung, qua đó cho thấy định hướng khuyến khích cho vay đối với các phân khúc này.
Chuyên gia VNDirect kỳ vọng các chính sách hỗ trợ này cùng với lãi suất cho vay hạ nhiệt sẽ cải thiện triển vọng tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2023. Tính đến 25/4/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,75% so với đầu năm (thấp so với mức tăng 7,2% trong 4 tháng đầu năm 2022).
Giới phân tích nhận định, trong bối cảnh tỷ giá hạ nhiệt, dự trữ ngoại hối đã cải thiện, NHNN có thể chuyển ưu tiên sang ổn định lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV thành viên thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho rằng, hiện nay là thời điểm thích hợp để NHNN tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng. Song trạng thái "tiền rẻ" ngập tràn sẽ không còn như trước, bởi bức tranh về nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi sau giai đoạn chống Covid-19.
Theo TS Cấn Văn Lực, từ giờ đến cuối năm, Fed sẽ không tăng lãi suất nữa sau 10 lần tăng lãi suất nhanh lên mức kỷ lục kể từ năm 2007. Còn Ngân hàng Trung ương châu Âu cùng lắm chỉ có 1 lần tăng lãi suất nữa, như vậy lãi suất sẽ đi ngang đến cuối năm 2023. Các ngân hàng trung ương ở châu Á khả năng có thể có 1 lần tăng lãi suất nữa rồi cũng sẽ đi ngang.
"Việt Nam đã đi trước một bước khi đã giảm lãi suất điều hành về mức 5,5% trong tháng 3 vừa qua và thị trường hy vọng NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất điều hành về mức 4% đến trong năm 2025. Đây là mức tương đối thấp so với trước đại dịch Covid-19", TS Lực đánh giá.
Về tỷ giá, TS Cấn Văn Lực cho rằng biến động của tỷ giá USD/VND ở mức trên 3% là chấp nhận được. Trong năm 2023, khi Mỹ không tăng lãi suất nữa, kinh tế Mỹ tăng trưởng thấp hơn, USD mất giá và các đồng tiền khác sẽ tăng giá trở lại, trong đó có VNĐ.
Từ đầu năm đến nay, VNĐ đã tăng giá 0,7-0,8% so với USD. Do đó, TS Cấn Văn Lực dự báo tỉ giá cơ bản cả năm 2023 sẽ ổn định, VNĐ nếu có mất giá thì chỉ khoảng 0,5-1%.
Trong khi đó, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, trong quý II/2023, áp lực tỷ giá USD/VND hạ nhiệt do Fed có thể tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất ngay tại cuộc họp tiếp theo trong tháng 6/2023.
Theo ông Hinh, nếu kịch bản này xảy ra, áp lực tỷ giá và lãi suất trong nước sẽ tiếp tục hạ nhiệt. Do đó, NHNN được kỳ vọng sẽ giảm lãi suất điều hành thêm ít nhất là 50 điểm cơ bản từ nay tới cuối năm 2023. Ông Hinh cũng dự báo tỷ giá USD/VND dao động trong khoảng 23.400 - 23.700 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết, thời gian tới, NHNN vẫn tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hợp lý và bảo đảm được mục tiêu chính là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và bảo đảm sự hài hòa giữa tỷ giá và lãi suất. NHNN sẽ điều hành lãi suất trên tinh thần vận động, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm những chi phí để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân vay vốn.
Còn Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, trong bối cảnh nhiều thách thức, NHNN đã đưa ra các mục tiêu ưu tiên khác nhau về chính sách tiền tệ trong từng giai đoạn. Đơn cử, năm 2022, khi USD lập đỉnh trên thế giới, NHNN phải ưu tiên xử lý vấn đề tỷ giá trước, sau đó là xử ý vấn đề thanh khoản rồi mới đến câu chuyện lãi suất. Đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm dần, thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng đã ổn định, đảm bảo vốn cho nền kinh tế.
"Mong muốn về giảm lãi suất của doanh nghiệp là chính đáng, ngành ngân hàng cũng không ai muốn lãi suất huy động và cho vay cao, song chúng ta còn phải tính tới sự ổn định vĩ mô, tỷ giá… nhằm ổn định hệ thống ngân hàng", Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định.
Nguồn: Minh Anh/vietnamfinance.vn