Nhóm nông sản chốt ngày hôm qua với 6 trên 7 mặt hàng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Thị trường đón nhận loạt báo cáo quan trọng vào phiên tối. Đây cũng là yếu tố chính dẫn đến các mức giảm của giá nông sản trong ngày hôm qua.
Mặc dù khởi sắc trong phiên sáng, nhưng giá ngô nhanh chóng quay đầu suy yếu trong phiên tối khi các báo cáo Bán hàng Xuất khẩu (Export Sales) và Ước tính Cung cầu Nông sản Thế giới (WASDE) tháng 4 được công bố. Với việc phần lớn các số liệu báo cáo mang tính gây sức ép, giá ngô kết thúc ngày hôm qua với mức giảm lên tới 1,27%.
Xét về nguồn cung, tại Argentina, Sở Giao dịch Ngũ cốc Rosario (BCR) trong báo cáo tuần này đã hạ dự báo sản lượng ngô niên vụ 2023-2024 của Argentina xuống còn 50,5 triệu tấn, giảm 6,5 triệu tấn so với ước tính trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là do rầy nâu mang mầm bệnh hoành hành khiến năng suất bị thiệt hại. Điều này đã dấy lên lo ngại về triển vọng mùa vụ tại Argentina và hỗ trợ giá ngô trong phiên sáng.
Trong khi đó về nhu cầu tiêu thụ, theo báo cáo Export Sales được phát hành tối qua, USDA cho biết khối lượng bán hàng ngô niên vụ 2023-2024 của Mỹ trong tuần 29/3 - 4/4 đạt 325.479 tấn, giảm 65,7% so với tuần trước đó và nằm dưới khoảng dự đoán của thị trường. Điều này phản ánh nhu cầu quốc tế đối với ngô Mỹ giảm mạnh, và gây áp lực lên giá.
Đối với báo cáo WASDE, triển vọng xuất khẩu của các nhà sản xuất lớn như Brazil và Argentina vẫn được USDA duy trì bất chất tình hình mùa vụ tiêu cực thời gian gần đây. Tại Mỹ, tuy tồn kho cuối niên vụ 2023-2024 bị cắt giảm 50 triệu giạ so với báo cáo tháng 3 xuống còn 2,122 tỷ giạ, nhưng vẫn cao hơn mức kỳ vọng của thị trường là 2,102 tỷ giạ. Điều này cũng góp phần gây sức ép lên giá.
Trong diễn biến đáng chú ý khác, giá lúa mì cũng giảm 1,21%. Áp lực chính đối với giá đến từ số liệu trong báo cáo WASDE tháng 4. Đà giảm của giá lúa mì chỉ được kìm hãm khi giá tiến sát vùng hỗ trợ 200 USD/tấn.
USDA dự báo, tồn kho lúa mì cuối niên vụ 2023-2024 của Mỹ sẽ đạt 698 triệu giạ, tăng so với mức 673 triệu giạ trong báo cáo tháng 3, đồng thời cũng cao hơn mức 690 triệu giạ dự đoán trung bình của giới phân tích. Sự gia tăng tồn kho lúa mì của Mỹ chủ yếu do nhu cầu nội địa thấp hơn. Trong bối cảnh xuất khẩu lúa mì của Mỹ cũng đang ảm đạm, điều này đã gây sức ép lớn lên giá.
Sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá nguyên liệu công nghiệp. Giá bông thấp nhất trong gần 3 tháng do sức ép từ việc đồng USD mạnh lên khiến chi phí nắm giữ và giao dịch đắt đỏ, từ đó hạn chế lực mua trên thị trường.
Bên cạnh đó, triển vọng nhu cầu kém tích cực được phản ánh qua số liệu bán hàng của Mỹ, cũng góp phần gây sức ép lên giá. Trong báo cáo xuất khẩu hàng tuần kết thúc ngày 4/4, Mỹ chỉ bán được 81.500 kiện bông cho vụ 2023-2024, giảm 4% so với tuần trước và 10% so với mức trung bình 4 tuần trước đó. Đồng thời, xuất khẩu bông trong tuần chỉ ở mức 274.100 kiện, giảm lần lượt 25% và 23% so với tuần trước và trung bình 4 tuần gần nhất.
Ở chiều ngược lại, giá cà phê là điểm sáng của toàn thị trường khi tiếp tục lập đỉnh trong ngày hôm qua. Đóng cửa, giá Arabica tăng lên mức cao nhất trong 30 tháng trước lo ngại về nguồn cung vụ mới khi La Nina dự báo quay lại gây ảnh hưởng tiêu cực đến mùa vụ.
Cơ quan dự báo thời tiết Mỹ cho biết, La Nina dự kiến phát triển vào tháng 6 đến tháng 8 năm nay. Điều này dẫn đến lo ngại sương giá xảy ra trong giai đoạn thu hoạch cà phê tại Brazil và lũ lụt làm ảnh hưởng đến hoạt động thu hoạch cà phê vụ 2024-2025 của Việt Nam.
Dù vậy, Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) nâng ước tính sản lượng cà phê năm 2024 của quốc gia này lên 60,2 triệu bao, tăng 1,4% so với dự báo trước và 5,6% so với năm 2023.
Giá Robusta thiết lập mức đỉnh mới trong 30 năm, có lúc lên tới 3.900 USD/tấn. Tại Việt Nam, tình hình khô nắng kéo dài, khiến lượng cà phê non chết khô tăng cao. Điều này khiến sản lượng cà phê vụ 2024-2025 có thể tiếp tục giảm sâu cho với vụ hiện tại, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy nông dân Việt Nam giữ cà phê lâu hơn. Nông dân găm hàng khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường trở nên trầm trọng, càng đẩy giá tăng vọt lên các mức đỉnh mới.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (11/4), giá thu mua cà phê trong nước đã vượt mốc 107.000 đồng/kg sau khi tăng mạnh 1.200 đồng/kg so với ngày trước đó. Theo MXV nhận định, giá cà phê nội địa hoàn toàn có khả năng chạm mốc 110.000 đồng ngay trong một vài phiên tới.