Khi cơ quan thuế truy vết dòng tiền của người bán hàng online qua các công ty cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hoá các nhà bán hàng đã đối phó bằng cách đồng loạt thay đổi cách thức giao dịch. Theo đó, người mua muốn áp dụng hình thức nhận hàng - trả tiền mặt qua các công ty giao nhận, người bán sẽ thu thêm 1,5% giá trị đơn hàng được cho là để đóng thuế. Trường hợp khác, người bán yêu cầu người mua chuyển khoản trước tiền hàng, ẩn số tài khoản ngân hàng để tránh việc cơ quan thuế rà soát tài khoản, ghi nhận doanh thu.
Thời gian qua ngành thuế đã đưa ra nhiều giải pháp siết chặt thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, phối hợp ngân hàng truy vết dòng tiền của cá nhân bán hàng online, rà soát qua các đơn vị giao hàng… Tổng cục Thuế gần đây đã có văn bản gửi các ngân hàng đề nghị cung cấp thông tin về tài khoản của người nộp thuế nhằm giám sát các hoạt động thu từ kinh doanh online trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương cũng đã có thông báo về việc bổ sung giấy phép kinh doanh đối với các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. Theo đó, thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam phải thực hiện đăng ký hoạt động thương mại điện tử và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của đơn vị tại Việt Nam.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực thuế, quy định này sẽ giúp hoá giải khó khăn trong việc xác định danh tính người nộp thuế. Bởi theo quy định trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, để xác định danh tính người nộp thuế, cần xác định được cơ sở thường trú mà qua đó doanh nghiệp nước ngoài thực hiện toàn bộ hay một phần hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Theo quy định hiện hành thì cơ sở thường trú gắn với một địa điểm cố định như chi nhánh, văn phòng đại diện, kho hàng, công trình xây dựng… Vì vậy, các công ty đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử đã sử dụng không gian mạng như một phương thức tránh hình thành cơ sở thường trú để tránh thuế. Việc bắt buộc các đơn vị này đăng ký bổ sung giấy phép kinh doanh là bước đầu tiên buộc họ phải “lộ diện” và phối hợp với cơ quan quản lý thực hiện các nghĩa vụ, trong đó có nộp thuế.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, từ năm 2018 đến ngày 14/7/2022, tổng số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu là 5.458 tỷ đồng. Số thu từ hoạt động thương mại điện tử đã tăng trong khoảng hai ba năm trở lại đây, tốc độ thu bình quân đạt 130%/năm, số thu trung bình khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Trong đó một số nhà cung cấp nước ngoài khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn, như Facebook nộp 2.076 tỷ đồng, Google nộp 2.040 tỷ đồng, Microsoft nộp 669 tỷ đồng…
Tuy nhiên cơ quan thuế đánh giá con số này còn khá nhỏ bé nếu so với quy mô và doanh số của thị trường thương mại điện tử hiện nay.
Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, sự phát triển bùng nổ cùng các hình thức mới của thương mại điện tử đã đặt ra nhiều thách thức mới đối với cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có cơ quan thuế.
Để quản lý kinh doanh trên nền tảng số, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các quy định pháp luật để quản lý kinh doanh trên các nền tảng số. Tuy nhiên với sự phát triển ngày càng nhanh và tinh vi của các loại hình thương mại điện tử, vẫn còn nhiều vấn đề cần đặt ra về hoàn thiện khung pháp lý cũng như các biện pháp để buộc người bán hàng, các nhà cung cấp dịch vụ… phải công khai đủ doanh thu và nộp thuế, tránh thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, các giải pháp cơ quan thuế đang yêu cầu đơn vị trung gian như doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa và thanh toán… không phải giải pháp lâu dài và chưa nhắm vào đúng đối tượng.
Trước đó, cơ quan thuế cũng đã đưa ra quy định các sàn thương mại điện tử phải cung cấp thông tin cá nhân kinh doanh và kê khai nộp thuế thay cho người bán hàng. Quy định này đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của các sàn.
Về lâu dài, cơ quan thuế cần tính đến các giải pháp dùng công nghệ để kiểm soát các hình thức bán hàng dựa vào công nghệ. PGS.TS. Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) khuyến nghị, cần xây dựng “phần mềm dò tìm tự động” để phát hiện các giao dịch đáng ngờ trên internet, từ đó làm cơ sở yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc thanh tra, kiểm tra, ấn định thuế. Để làm được điều này, cần dựa trên nền tảng dữ liệu lớn để tích hợp các nguồn thông tin.
“Cùng với việc sửa đổi quy định pháp luật về kê khai, nộp thuế, cần phát triển hệ thống tính thuế tự động gắn với không gian và thời gian thực của giao dịch trong nền kinh tế số”, ông Trường nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng lưu ý, hệ thống thuế nên dựa vào sự tự tuân thủ, được thiết kế có tính chất dễ dàng và tự nguyện nộp thuế. Chẳng hạn, đối với quy định ủy quyền cho sàn thương mại điện tử thu thuế của cá nhân kinh doanh trên sàn, hiện nay một số quốc gia trên thế giới đã thực hiện. Tuy nhiên, để làm được điều này thì cần có lộ trình, và các quy định về hạch toán doanh thu, quản lý thuế cần đơn giản hơn để các sàn đủ sức thực hiện.
Bên cạnh đó, cũng cần tính tới cơ chế để chính người mua giám sát và buộc người bán phải tuân thủ nghĩa vụ thuế.