Về chính sách thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt, cơ quan này cho biết ngày 28/7 đã báo cáo Thủ tướng xin chủ trương về phương án thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu.
"Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai xây dựng văn bản theo đúng trình tự, thủ tục quy định", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Về thuế bảo vệ môi trường, cơ quan quản lý cho biết sắc thuế này đã điều chỉnh giảm xuống mức sàn trong khung thuế quy định tại Luật thuế bảo vệ môi trường đến hết ngày 31/12 (Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 11/7).
Theo đó, mức thuế với mặt hàng xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel, mazut, mỡ nhờn... giảm từ 1.000 đồng/lít xuống sàn 300-500 đồng/lít và dầu hỏa giữ nguyên ở 300 đồng/lít.
Đối với thuế xuất nhập khẩu, ngày 19/7, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về dự thảo Nghị định giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì thuộc nhóm 27.10 từ 20% xuống 10%.
Dự kiến khi ban hành, chính sách này sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung, tạo cơ hội tiếp cận nguồn cung mới cho các doanh nghiệp nhập khẩu thay vì phụ thuộc vào nguồn xăng từ Hàn Quốc hay các nước trong ASEAN (do xăng dầu đang chủ yếu được nhập khẩu từ Hàn Quốc và các nước trong ASEAN).
Tính đến nay, giá mặt hàng này đã trải qua 20 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 7 lần giảm. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước đã xuống quanh mức 24.500-25.600 đồng/lít, tương đương mức giá vào tháng 2. |
Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay, tỉ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu của nước ta vẫn thấp hơn mức bình quân chung so với nhiều nước trong khu vực.
Tỉ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 40% - 55% đối với xăng và 35% - 50% đối với dầu (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỉ trọng thấp hơn).