Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, ma trận và cấu trúc đề thi về cơ bản sẽ giữ tính ổn định, không tạo ra xáo trộn trong quá trình ôn tập, giảng dạy của học sinh và giáo viên.
Trong đó, kiến thức đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9, không ra các phần kiến thức đã được Bộ GD-ĐT giảm tải trong thời gian học sinh học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đặc biệt năm nay, đề thi sẽ có khoảng 70-80% kiến thức ở mức độ nhận biết và thông hiểu, tỷ lệ câu hỏi vận dụng chiếm hơn 10% và ít hơn 10% đối với câu hỏi vận dụng cao ở từng bộ môn.
Mặc dù giảm tỷ lệ câu hỏi vận dụng cao nhưng đề thi vẫn đảm bảo có câu hỏi phân hóa nhằm đánh giá và lựa chọn học sinh có năng lực học tập phù hợp với trình độ đào tạo của các trường THPT.
Bên cạnh đó, đề thi sẽ tăng cường các câu hỏi mang tính thực tế, giảm tính hàn lâm, tiếp tục duy trì ra đề theo hướng mở, tạo cơ hội cho học sinh phát huy năng lực tư duy và sáng tạo. Đặc biệt, một trong những điểm mới của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay là việc áp dụng hệ số 1 cho cả 3 môn thi (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) thay cho việc nhân đôi hệ số đối với hai môn Ngữ văn và Toán như trước đây.
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 triển khai đối với lớp 10 theo hướng các môn học tự chọn. Sở GD-ĐT TPHCM đã chỉ đạo các trường THPT xây dựng phương án dạy học theo nhóm môn tự chọn phù hợp với cơ sở vật chất, đội ngũ, cách thức tổ chức hoạt động của nhà trường.
Phương án của trường THPT công khai trên website của đơn vị giữa tháng 4-2022, trước thời điểm học sinh đăng ký nguyện vọng tuyển sinh lớp 10, giúp học sinh tìm hiểu, chọn môn học phù hợp năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp bản thân.