Đại học Apollos có trụ ở chính nằm ở Tiểu bang Montana, trường cung cấp các chương trình Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân chuyên ngành Quản trị Kinh doanh, Quản lý Doanh nghiệp và Công nghệ Thông Tin. Đại học Apollos là tổ chức giáo dục đại học được công nhận bởi Ủy ban Kiểm định Giáo dục Từ xa Hoa Kỳ (DEAC) thuộc thẩm quyền của Bộ giáo dục Hoa Kỳ. Ngôi trường này cũng là thành viên của SARA (Thỏa thuận giữa các tiểu bang về Ủy quyền và Hỗ trợ trong Giáo dục Đại học), được phép giảng dạy cho sinh viên ở tất cả 50 bang của Hoa Kỳ và thủ đô Washington, DC.
Được biết, Đại học Apollos đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe khi xét duyệt danh hiệu Viện sĩ - Giáo sư - Tiến sĩ danh dự. Một vài tiêu chí có thể kể đến như: Góp phần nâng cao văn hóa - xã hội, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế; có thành tích xuất sắc trong đa lĩnh vực; là người có khả năng lãnh đạo và truyền cảm hứng với sinh viên trong trường.
Trên thế giới, lễ sắc phong danh hiệu Viện sĩ, Giáo sư, Tiến sĩ danh dự khá phổ biến, thể hiện tư duy hiện đại nhằm tôn vinh những cá nhân có thành tích đóng góp nổi bật trong nhiều lĩnh vực khác nhau, phụng sự cộng đồng và xã hội. Nhiều người nổi tiếng từng nhận danh hiệu tương tự như: tỷ phú Bill Gates - người không có bằng đại học và ông "trùm" Facebook Mark Zuckerberg đều nhận bằng Tiến sĩ danh dự Luật của Đại Học Harvard; đạo diễn Trương Nghệ Mưu được Đại học Boston trao bằng Tiến sĩ danh dự nhân văn và nghệ thuật, ca sĩ Taylor Swift nhận bằng tiến sĩ danh dự ngành Nghệ thuật của Đại học New York,....
Những cá nhân xuất sắc được sắc phong tại sự kiện Diễn đàn Khoa học và Kinh tế 2023 tổ chức tại Ấn Độ gồm: Ông Nguyễn Thanh Huy - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên đoàn Taekwondo Việt Nam, ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Sơn, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư ThaiBinh Seed, ông Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch hiệp hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam,...
Là 1 trong 52 người Việt Nam ưu tú, vinh dự được nhận bằng Tiến sĩ Danh dự của Đại học Apollos, ông Nguyễn Hồng Lam chia sẻ: "Danh hiệu là niềm vinh dự, sự ghi nhận vô cùng lớn đối với cá nhân tôi và thương hiệu Ô mai Hồng Lam trên hành trình làm ra những món quà Tinh hoa - Phụng sự xã hội. Năm nay tôi đã bước sang tuổi 66 nhưng chưa giây phút nào tôi ngừng nghiên cứu, học hỏi và làm việc. Tôi và các cộng sự sẽ nỗ lực để Hồng Lam vươn xa hơn nữa trên trường quốc tế."
Diễn đàn Khoa học và Kinh tế 2023 được tổ chức tại Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) quy tụ gần 200 đại biểu xuất sắc ở nhiều lĩnh vực: nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, cộng đồng doanh nhân đến từ nhiều quốc gia như: Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ,.... Với 58 cơ quan báo chí quốc tế đưa tin, ông cho rằng, đây là cơ hội tốt để giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hoá.
Nhà sáng lập Ô mai Hồng Lam cũng bày tỏ mong muốn hợp tác quốc tế và mở rộng thị trường kinh doanh bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là Ấn Độ. "Với dân số thuộc top các quốc gia đông dân nhất thế giới, tăng trưởng GDP có những bước nhảy vọt, Ấn Độ chắc chắn là thị trường tiềm năng ấn tượng đối với nhiều nhà đầu tư." - Ông Hồng Lam nhận định.
Doanh nhân Nguyễn Hồng Lam xuất phát điểm là người lính cụ Hồ. Ông được truyền cảm hứng từ câu chuyện của những nghệ nhân ô mai trong cung đình xưa, sau nhiều năm tự nghiên cứu công thức, ông đã sáng lập nên thương hiệu Ô mai Hồng Lam. Với tư duy của một người làm khoa học, ông đã không ngừng sáng tạo, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quy trình sản xuất để "biến một món quà vặt thành quà Việt".
Với tư duy kinh doanh, quản trị nhạy bén, ông đã xây dựng nhà máy ô mai lớn nhất Việt Nam rộng 2,2 ha đạt tiêu chuẩn ISO 22.000 tại khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội. Hồng Lam còn sở hữu chuỗi 27 cửa hàng trên toàn quốc, và ngàn điểm bán tại các siêu thị lớn như Winmart, AEON, Lotte,…
Không dừng lại ở đó, ô mai Hồng Lam tham vọng chinh phục các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Châu Âu với thành tựu nổi bật là những container đầu tiên xuất khẩu ô mai sang Hoa Kỳ vào năm 2021.